Khái niệm
Hội chứng khớp liên mấu là bệnh lý khớp xảy ra ở các khớp liên mấu vùng thắt lưng, vùng cổ và đôi khi ở các khớp vùng lưng. Biểu hiện lâm sàng là đau cục bộ và đau lan tỏa.
Ghormley là người đầu tiên mô tả “hội chứng khớp liên mấu” cách đây hơn 20 năm với triệu chứng lâm sàng là đau lưng và / hoặc đau chân, do kích thích cơ học của các khớp động ở thắt lưng dưới. Hội chứng khớp liên mấu ngày càng được công nhận là nguyên nhân quan trọng gây ra đau thắt lưng.
Nguyên nhân
- Các động tác xoay, cúi hoặc ưỡn quá mức của cột sống lặp đi lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến những biến đổi thoái hóa của sụn khớp và có thể dẫn đến thoái hóa các cấu trúc khác của khớp như bao khớp, dây chằng và cả đĩa đệm cột sống. Độ căng của khớp phía thắt lưng là cao nhất ở động tác cúi quá mức.
- Giảm chiều cao đĩa đệm làm tải trọng cơ học lên khớp liên mấu tăng lên, được cho là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thoái hóa các khớp liên mấu.
55% các trường hợp hội chứng khớp liên mấu xảy ra ở đốt sống cổ và 31% ở thắt lưng. Tổn thương thấy ở tất cả các cấu trúc của khớp, đó là: sụn mặt khớp, bao khớp, màng hoạt dịch và xương dưới sụn. Ở cột sống lưng do có khung xương sườn nâng đỡ, tầm vận động của đoạn cột sống này cũng hạn chế hơn cột sống cổ và cột sống thắt lưng, vì vậy các khớp liên mấu của cột sống lưng ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên khớp liên mấu của đốt sống T3-T4 nằm ở vùng chuyển tiếp giữa hai đường cong cột sống cổ và cột sống lưng nên dễ bị tổn thương hơn các khớp khác, lâm sàng hay gặp hội chứng khớp liên mấu ở hai khớp đốt sống lưng này.
Đau vùng cổ gáy do liên quan đến các khớp liên mấu ở cột sống cổ được gọi là hội chứng cổ và đau thắt lưng do liên quan đến khớp liên mấu ở cột sống thắt lưng được gọi là hội chứng thắt lưng. Đau ở cột sống lưng ngang mức T3-T4, thường ở một bên, tương ứng huyệt Phế Du là hội chứng khớp liên mấu T3-T4.
Bệnh sinh
Bình thường khi có lực cơ học tác động lên cột sống theo chiều dọc thì các đĩa đệm chịu 80% lực còn các khớp liên mấu chịu 20% lực. Khi có tăng hoặc giảm áp lực cơ học lên đĩa đệm, làm chiều cao khoang gian đốt sống tăng hoặc giảm, sẽ làm tăng hoặc giảm lực tác động lên diện khớp liên mấu. Khi đĩa đệm bị thoái hóa hay thoát vị, làm giảm chiều cao khoang gian đốt sống, lực tác động lên khớp liên mấu tăng. Vì diện khớp nằm trên mặt phẳng đứng dọc nên sẽ dẫn tới trượt lệch vị trí hai diện khớp (hiện tượng bán trật khớp), gây căng giãn, đứt rách bao khớp, dây chằng và làm thay đổi phân bố lực tì nén lên diện khớp. Các biến đổi trên lặp đi lặp lại gây ra thoái hóa khớp liên mấu và gây đau cột sống. Ngược lại, nếu chiều cao khoang gian đốt sống tăng quá mức do bị kéo giãn trong các động tác lao động hoặc sinh hoạt, dẫn tới giãn quá mức bao khớp cũng gây đau và tổn thương khớp.
Các khớp liên mấu là các khớp thực thụ với đầy đủ các thành phần của một khớp động. Các khớp liên mấu là bản lề của đoạn vận động cột sống, nó thường bị thoái hóa tiếp sau thoái hóa đĩa đệm. Đau thắt lưng cũng thường xuất phát từ tổn thương các khớp này.
Binder D và cộng sự ước tính rằng bệnh lý về khớp là một yếu tố góp phần vào 15–52% bệnh nhân bị đau thắt lưng mạn tính. Quan trọng hơn là sự hiện diện của chứng khô khớp ở các nhóm tuổi khác nhau. Trong một nghiên cứu từ Eubanks và cộng sự, có một tỷ lệ phổ biến của chứng thoái hóa khớp liên mấu vùng thắt lưng ở 647 tử thi. 57% mẫu từ 20 đến 29 tuổi và 93% mẫu từ 40-49 tuổi có bằng chứng về thoái hóa các khớp liên mấu. Đến năm 60 tuổi, 100% mẫu có biểu hiện thoái hóa khớp. Tỷ lệ cao nhất và mức độ nghiêm trọng nhất của bệnh khớp được tìm thấy ở L4 - L5, cũng tương ứng với thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cũng có tỉ lệ cao nhất ở L4 - L5. Hội chứng khớp liên mấu thường phổ biến hơn ở người cao tuổi vì những thay đổi ở khớp phát triển theo quá trình lão hóa.
Giả thuyết cho rằng thoái hóa đĩa đệm và hẹp khoang gian đốt do giảm chiều cao đĩa đệm đóng một vai trò quan trọng trong bệnh lý khớp liên mấu do khớp phải chịu tăng tải trọng và thoái hóa khớp xảy ra tiếp sau đó thường được trích dẫn, nhưng vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ để chứng minh.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, đau khớp có thể xảy ra thứ phát sau một chấn thương, nhưng phổ biến hơn, đó là kết quả của sự kéo căng lặp đi lặp lại và / hoặc các vi chấn thương lặp đi lặp lại. Nguyên nhân này hay gặp ở khớp liên mấu T3-T4. Dữ liệu từ các nghiên cứu tử thi đã chỉ ra rằng những thay đổi về giải phẫu xảy ra nhanh hơn ở những nghệ sĩ uốn dẻo do các chuyển động lặp đi lặp lại. Mặc dù các nghiên cứu cung cấp một mô hình lý thuyết về sự thoái hóa, nhưng do tử thi không thể cung cấp cảm giác đau đớn và các vật liệu đàn hồi có thể có các đặc điểm thay đổi.
Ở cột sống thắt lưng trên, mức độ dịch chuyển và sức căng khớp lớn nhất có liên quan đến động tác nghiêng sang bên ở ba cặp khớp liên mấu đầu tiên (L1-L2; L2-L3; L3-L4). Hai cặp khớp thấp nhất (L4-L5; L5-S1) chịu lực căng lớn nhất trong quá trình cúi người về phía trước. Ở cột sống cổ, các khớp ở thấp C5-C6; C6-C7; C7-T1 chịu sức căng khớp lớn nhất ở động tác cúi. Hai khớp ở cao C1-Ụ chẩm; C1-C2 nằm ngang nên lực phân bố tương đối cân đối các chiều nên ít bị tổn thương hơn các khớp khác.
Ở cột sống lưng, do có khung xương sườn nâng đỡ nên tầm vận động của đoạn cột sống này hạn chế hơn cột sống cổ và cột sống thắt lưng, các khớp ở đây ít chịu quá tải hơn so với các đoạn cột sống khác, vì thế các khớp liên mấu của cột sống lưng ít bị tổn thương hơn, riêng khớp liên mấu T3-T4 là vùng chuyển tiếp giữa hai đường cong cột sống cổ và cột sống lưng nên cũng dễ bị tổn thương ở những người có thói quen làm việc cúi cổ về trước.
Khi đĩa đệm bị thoái hóa và mỏng dần làm khoang gian đốt sống hẹp dần lại. Dưới sức nặng của cơ thể, khớp liên mấu phải tăng chịu lực. Do mặt khớp nằm trên mặt phẳng đứng dọc nên diện khớp liên mấu của thân đốt phía trên trượt lệch dần xuống dưới gây ra hiện tượng bán trật khớp. Tình trạng tăng lực nén lên khớp, phân bố lực không đều lên diện khớp và bán trật khớp làm cơ sinh học của khớp bị biến đổi, quá trình này tiến triển từ từ phụ thuộc vào tình trạng thoái hóa của đĩa đệm, lâu dần làm khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị mỏng và loét, xuất hiện các gai xương ở rìa khớp. Mô xương dưới sụn, bao khớp, màng xương rìa khớp là nơi bao khớp và dây chằng bám có nhiều thụ cảm thần kinh nên gây ra đau mạn tính mỗi khi cử động cột sống thắt lưng. Phía trước, khớp liên mấu tiếp giáp với lỗ ghép là nơi các rễ thần kinh đi qua, các gai xương ở rìa khớp phát triển về phía lỗ ghép gây ra hẹp lỗ ghép và rễ thần kinh có thể bị chèn ép cũng là một nguyên nhân gây ra hội chứng thắt lưng hông.
Kết quả là tình trạng viêm khớp xảy ra, dẫn đến bao khớp bị giãn ra, phù nề và tạo ra các cơn đau sau đó, có thể có xuất tiết dịch trong khớp. Sự sưng tấy cũng có thể gây kích ứng các dây thần kinh cột sống gần đó, dẫn đến co thắt các cơ cạnh sống ở sâu. Các yếu tố dễ gây đau khớp vùng thắt lưng là thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa thân đốt sống và tuổi cao.