Khi mắc bệnh viêm khớp, bệnh nhân thường cảm thấy các khớp (tay, chân hoặc đầu gối...) cử động rất kém. Một số trường hợp bệnh nặng có thể khiến các xương bị tác động và dịch chuyển sang vị trí khác. Hầu hết mọi người thường gặp các vấn đề ở khớp cột sống, bàn tay, hông và đầu gối.
Trong đó, phần lớn bệnh nhân đều nằm trong độ tuổi từ trung niên (tức từ 40 tuổi) trở lên. Tuy nhiên, người trẻ tuổi vẫn có thể mắc bệnh, nhất là những đối tượng gặp phải những chấn thương ở khớp.
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh viêm khớp nên cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cơ thể để đẩy lùi những cơn đau và sớm hồi phục sức khỏe.
Dầu ô liu
Dầu ô liu có chứa rất nhiều chất Polyphenol. Chất này không chỉ hỗ trợ chống lại sự phát triển của tế bào ung thư mà còn có công dụng rất tốt trong việc đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm ở nhiều bộ phận trong cơ thể, trong đó có viêm khớp. Vì vậy, người bệnh viêm khớp có thể kết hợp dầu ôliu vào chế độ ăn uống hằng ngày của mình.
Để dễ dàng sử dụng, có thể pha 1 thìa dầu vào cốc nước ấm và uống từ từ. Đặc biệt, khi uống vào buổi sáng, cơ thể sẽ hấp thu lượng dưỡng chất có trong dầu ôliu nhiều hơn.
Trái cây giàu vitamin C
Bổ sung vitamin C giúp cơ thể kiểm soát và ngăn chặn những chuyển biến xấu của bệnh viêm khớp. Ngoài ra, những bệnh nhân bị viêm khớp thường kèm theo mất sụn và vitamin C hoàn toàn có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tình trạng này. Đào, cam, dâu tây là những loại trái cây có chứa hàm lượng vitamin C khá cao.
Cá hồi
Cá hồi là một trong những loại cá có chứa hàm lượng omega - 3 và vitamin D rất cao. Đồng thời, đây lại là hai chất dinh dưỡng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng các khớp xương của cơ thể được khỏe khoắn. Trong đó, axit béo omega - 3 có tác dụng giảm thiểu nguy cơ bị viêm nhiễm và vitamin D thường hỗ trợ giảm đau, hạn chế nguy cơ tàn tật.
Các loại rau màu xanh đậm
Trong các bữa ăn chính, mọi người nên ăn nhiều rau vì đây là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, những loại rau có màu xanh lá cây đậm thường chứa nhiều chất xơ, giúp khớp xương khỏe mạnh. Đồng thời, chất dinh dưỡng trong rau cũng có tác dụng đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm. Ví dụ như hàm lượng chất dinh dưỡng trong rau cải xanh đậm (chủ yếu là vitamin K) có khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.
Thịt đỏ
Thịt đỏ rất giàu protein nhưng không phù hợp với những người bệnh viêm khớp. Vì theo một số nghiên cứu cho thấy, khi ăn nhiều các loại thịt đỏ sẽ khiến hàm lượng axit uric tăng cao. Trong khi đó, sự tích tụ của hợp chất này sẽ gây thêm nhiều áp lực và tổn thương cho mô sụn, gây ra những triệu chứng đau nhức. Bên cạnh đó, axit uric cũng khiến tình trạng viêm khớp ngày càng nặng hơn.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Những thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều chất béo thường dễ gây tình trạng tăng cân, béo phì. Khi trọng lượng cơ thể tăng, các khớp xương có thêm nhiều áp lực. Nếu tình trạng này không được kiểm soát hoặc can thiệp thì sau một thời gian vùng mô sụn sẽ bị thoái hóa hoặc chèn ép khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Bên cạnh đó, sự hấp thu những loại axit béo trong cơ thể cũng góp gia tăng mức độ của các triệu chứng bệnh viêm khớp.
Thực phẩm nhiều đường và muối
Thực phẩm có chứa nhiều đường sẽ khiến tình trạng đau nhức do viêm khớp gây nên ngày một trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, khi hấp thụ những thức ăn chứa nhiều muối, cơ thể sẽ kích thích thận loại bỏ thành phần clorua khiến gia tăng sự bài tiết canxi. Do đó, xương sẽ dần suy yếu và dễ bị gãy kèm theo những cơn đau nhức ở ổ khớp.
Chế độ ăn chay là cung cấp chất dinh dưỡng chỉ dựa vào thực vật: các loại trái cây, rau, đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, loại bỏ tất cả các loại thịt cá. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn chay giúp giảm viêm. Nồng độ CRP (chất chỉ điểm cho phản ứng viêm trong cơ thể ) giảm khi thực hiện chế độ ăn chay. Đó là một cách gián tiếp cho thấy tác dụng có lợi của chế độ ăn chay.
Ngoài ra, rau, trái cây, các loại hạt là nguồn cung cấp chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, các vitamin, khoáng chất tốt cho xương khớp, giàu các chất chống ôxy hóa chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa, góp phần làm chậm tiến trình thoái hóa khớp, viêm khớp.
Khi người bệnh viêm khớp có kế hoạch ăn chay hoặc thuần chay, trước hết hãy bàn bạc với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng của bạn.
Với các chế độ ăn chay và thuần chay, không phải chỉ tập trung vào các loại thực phẩm không nên ăn (như bỏ qua thịt, trứng và sữa) mà còn phải chú ý đến các thực phẩm cần ăn. Những người tuân theo một trong hai chế độ ăn này nên ăn nhiều trái cây, rau, đậu, hạt, và ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt thay vì ăn mì ống, bánh mì hoặc cơm. Những thực phẩm thay thế lành mạnh này cung cấp chất phytochemical (hóa chất thực vật) bao gồm chất chống ôxy hóa, flavonoids và carotenoids, tất cả đều giúp giảm viêm và bảo vệ các mô khỏi quá trình ôxy hóa.
Bất kỳ chế độ ăn uống, bao gồm ăn chay hay thuần chay, đều có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc chống viêm khi thêm vào khẩu phần ăn các loại dầu thực vật nhất định.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh