✴️ Những điều cần biết về cơ chế loãng xương

1. Tìm hiểu về cơ chế loãng xương

Hệ thống xương của cơ thể được chia làm nhiều loại khác nhau dựa trên đặc điểm hình dạng, cấu tạo của xương. Tuy nhiên, các loại xương đều có cấu tạo giống nhau bao gồm: lớp màng xương, phần xương cứng, phần xương xốp, tủy xương. 

Trong đó, phần xương xốp có nhiều hốc nhỏ, cấu tạo tượng tự tổ ong hoặc giống như miếng bọt biển. Loãng xương là bệnh lý làm suy thoái cấu trúc, gia tăng tỷ lệ xương xốp trong cơ thể, khiến các xương trong cơ thể trở nên giòn và dễ gãy hơn.

Cơ chế chính của quá trình mất xương là sự mất chênh lệch giữa quá trình hủy xương và quá trình tái tạo xương. Nguyên nhân của sự mất cân bằng này có thể do:

– Thay đổi các yếu tố kích thích quá trình hủy xương.

– Rối loạn quá trình tái tạo xương.

– Các yếu tố làm suy giảm tăng trưởng cấu trúc xương tại chỗ và toàn thân.

Loãng xương thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng đặc trưng, cho đến khi xương bị gãy. Các vị trí phổ biến nhất đối với tình trạng gãy xương do loãng xương là: Cột sống, đầu dưới xương quay, cổ xương đùi, xương chậu,…

Cột sống là vị trí dễ bị ảnh hưởng bởi loãng xương

2. Những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình loãng xương

Bệnh loãng xương có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Việc nhận diện các yếu tố nguy cơ sẽ giúp chúng ta chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.

2.1. Tuổi tác – Nguyên nhân hàng đầu gây loãng xương

Theo thống kê, hơn 95% bệnh nhân nữ và khoảng 80% bệnh nhân nam mắc bệnh loãng xương nguyên phát. Trong đó, loãng xương nguyên phát được hiểu là trường hợp bệnh loãng xương có nguyên nhân do tuổi tác và suy giảm nội tiết tố. 

Do đó, đa số các trường hợp loãng xương xảy ra ở phụ nữ tuổi mãn kinh và nam giới lớn tuổi. Cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người mắc bệnh loãng xương. Cùng độ tuổi này, tỷ lệ mắc bệnh loãng xương ở nam giới là 1/5.

Tuổi càng cao, quá trình tái tạo xương càng giảm trong khi quá trình mất xương lại gia tăng. Đồng thời, ở người cao tuổi, sự hấp thu canxi ở ruột và ống thận suy giảm, nội tiết tố giảm, quá trình hấp thu tiền vitamin D qua da cũng giảm,… khiến cơ thể không được cung cấp đủ canxi, dẫn tới bệnh loãng xương. 

2.2. Các yếu tố khác tác động tới cơ chế loãng xương

Tuổi tác được nhận định là tác nhân chủ yếu gây ra bệnh loãng xương, các yếu tố còn lại chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ. Tuy nhiên, nếu bạn chủ động sớm nhận biết và chủ động phòng ngừa các yếu tố này cũng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ loãng xương.

– Yếu tố thể chất: Những người có thể chất thấp bé, nhẹ cân, đặc biệt là nữ giới, có chỉ số BMI<19.

– Yếu tố bệnh lý: Loãng xương có thể là hậu quả của các bệnh về tiêu hóa, thận, bệnh tuyến giáp hoặc cận giáp,…

– Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như corticoid, thuốc hóa trị liệu, tia xạ,… cũng có thể gây ra bệnh loãng xương.

– Lối sinh hoạt không khoa học, chế độ dinh dưỡng thiếu canxi, ít vận động.

– Người thường xuyên phải mang vác nặng, lao động vất vả, quá sức.

3. Những biện pháp đề phòng bệnh loãng xương

Để phòng tránh nguy cơ loãng xương, các bạn cần chú ý đến các vấn đề sau đây:

3.1. Làm chậm cơ chế loãng xương thông qua việc thay đổi lối sống

Để hạn chế nguy cơ bị loãng xương, chúng ta cần cung cấp đủ canxi và Vitamin D thông qua các thực phẩm tôm, cua, cá, sữa, các chế phẩm từ sữa,… Nhu cầu canxi của trẻ dưới 15 tuổi là 600-700 mg/ngày, trẻ trên 15 tuổi và người lớn là 1000mg/ngày. Những người trên 50 tuổi cần nạp đủ 1200 mg/ngày. 

Thường xuyên vận động, rèn luyện thể lực ngoài trời là một cách hiệu quả giúp hệ xương khỏe mạnh, tăng cường sức khỏe. Đối với người cao tuổi cần cẩn thận, nên đề phòng té ngã dễ gây gãy xương. Người lớn tuổi đối với việc tập luyện thể lực chỉ giữ ở mức vừa phải không nên hoạt động quá sức. Đồng thời, chúng ta cũng cần tránh xa thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia cũng như các chất kích thích có hại khác. 

3.2. Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe là một hoạt động cần thiết và nên được thực hiện định kỳ. Tuy nhiên, người Việt chúng ta lại chưa có thói quen này. Việc khám sức khỏe định kỳ nên được thực hiện ở mọi độ tuổi, đặc biệt là với các đối tượng lớn tuổi. 

Ngoài những danh mục khám cơ bản, bạn nên bổ sung thêm danh mục đo mật độ xương. Đây là phương pháp giúp xác định mô xương có độ khoáng thấp, từ đó bác sĩ có thể đánh giá tình trạng loãng xương và nguy cơ gãy xương của người bệnh.

Loãng xương là một bệnh lý khó tránh khỏi bởi quá trình lão hóa tự nhiên của con người. Tuy vậy, hy vọng với bài viết này, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về quá trình hình thành bệnh loãng xương đồng thời nhận diện được các yếu tố nguy cơ để phòng bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top