Tập thể dục tốt cho sức khỏe của đầu gối, miễn là bạn không tập quá sức. Ưu tiên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như bơi, đạp xe, đi bộ. Với các bài tập như cử tạ, chùng chân và tập bắp chân để tăng cường sức mạnh cho đầu gối và các cơ cốt lõi, bạn nên tập từ từ để cơ thể quen dần, tránh tác động đột ngột và quá sức.
Bạn nên khởi động nhẹ nhàng bằng cách tập các động tác kéo giãn cơ giúp tăng khả năng chuyển động hoặc dành khoảng 5 phút đi bộ trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập nào.
Thận trọng với các hoạt động có tác động mạnh đến đầu gối như chạy bộ, bóng đá và bóng rổ. Vì khi vận động dồn dập liên tục, hoặc một số chuyển động và va chạm bất ngờ sẽ làm tăng nguy cơ đầu gối bị chấn thương.
Nếu nâng tạ nặng, bạn hãy chú ý đến tư thế khi nâng và nên có huấn luyện viên điều chỉnh. Đeo đai bảo vệ đầu gối nếu vùng này có vấn đề khó chịu.
Với người thừa cân, việc giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên tủy sống và đầu gối. Điều này là do chất béo trong cơ thể có khả năng tự sản xuất, giải phóng các hóa chất thúc đẩy quá trình viêm và có thể dẫn đến viêm khớp.
Mang một đôi giầy không phù hợp kích cỡ cũng gây tổn thương cho chân của bạn. Với phụ nữ, đi giày cao gót trong thời gian dài sẽ gây áp lực lớn lên chân và đầu gối.
Bạn nên ưu tiên những đôi giầy gót thấp, có đế tốt và có thể thêm miếng đệm lót giày êm ái để giảm bớt căng thẳng cho đầu gối.
Những tư thế ngồi xấu (như ngồi xổm, quỳ gối, vắt chéo chân...) trong thời gian dài có thể gây áp lực lên các khớp của bạn dẫn đến lớp sụn bị hao mòn và khiến khớp gối bị căng.
Hoạt động chạy nhanh và mạnh mà không nghỉ ngơi đầy đủ có thể làm căng khớp gối, làm mòn sụn và tăng nguy cơ bị viêm xương khớp theo thời gian
Các bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ tứ đầu và cơ gân kheo - những cơ bao quanh đầu gối, có thể tăng khả năng hỗ trợ và giữ sự ổn định cho đầu gối.
Duy trì sự linh hoạt ở chân, đặc biệt là cơ bắp chân và cơ gập hông cũng có thể làm giảm căng thẳng cho đầu gối.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh