✴️ Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?

Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không là lo lắng của nhiều người khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này. Cùng đi tìm câu trả lời qua những thông tin khái quát về tình trạng tràn dịch khớp gối dưới đây.

Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không là lo lắng của nhiều người khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này.

Giải đáp cho thắc mắc “tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không”, theo nhận định của các bác sĩ và chuyên gia y tế thì đây là một tình trạng tương đối nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới các biến chứng, chẳng hạn như suy giảm chức năng vận động khớp, trong trường hợp bị nhiễm khuẩn có thể dẫn đến phá hủy khớp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn thân người bệnh. Một số thông tin cơ bản về tràn dịch khớp gối mà chúng ta cần lưu ý:

1. Tràn dịch khớp gối là gì?

Tràn dịch khớp gối là tình trạng lượng dịch trong khớp gối nhiều lên, có thể phát hiện dễ dàng trên lâm sàng. Tràn dịch khớp gối do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là do chấn thương, nhiễm khuẩn ở khớp gối và một số bệnh lý. Các yếu tố nguy cơ của tình trạng này là tuổi trên 55 và bị béo phì.

2. Triệu chứng của tràn dịch khớp gối

Một bên gối bị sưng nề, to hơn bên gối lành là triệu chứng thường gặp của tràn dịch khớp gối.

– Một bên gối bị sưng nề, to hơn bên gối lành.

– Nếu bị tràn dịch khớp gối do nhiễm khuẩn, người bệnh còn có thể bị sốt.

– Người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động do lượng dịch trong khớp cản trở vận động của khớp, nhiều người có thể bị đau khi đi lại.

– Nếu tràn dịch khớp gối là do chấn thương, người bệnh có thể phát hiện thấy bị bầm tím ở mặt trước, hai bên và phía sau của đầu gối.

3. Chẩn đoán tràn dịch khớp gối

Chọc hút dịch khớp có thể được thực hiện để chẩn đoán tràn dịch khớp gối.

Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sau:

– Chọc hút dịch khớp: một ít chất lỏng từ bên trong đầu gối sẽ được lấy ra để số lượng tế bào, nuôi cấy vi khuẩn, và kiểm tra các tinh thể gây bệnh gút hoặc giả gút.

– Chụp Xquang có thể thấy các tổn thương như: gãy xương, trật khớp hoặc bệnh lý u xương, thoái hoá khớp…

– Chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện các tổn thương xương và phần mềm của khớp gối như sụn chêm, dây chằng, gân hay sụn khớp.

– Xét nghiệm máu: giúp xác định được tình trạng nhiễm khuẩn, viêm, viêm khớp dạng thấp, bệnh ưa chảy máu, gút…

4. Điều trị tràn dịch khớp gối

Người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc và các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc kháng viêm corticosteroid. Trong trường hợp dịch khớp quá nhiều, tình trạng bệnh nặng cần chọc hút dịch khớp, nhằm giảm áp lực đồng thời có thể kết hợp điều trị tiêm corticoid.

Nội soi khớp cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân của tràn dịch khớp và có thể kết hợp điều trị như sửa chữa các thương tổn sụn, dây chằng hay tổn thương thoái hóa khớp. Nhưng nếu tổn thương thoái hóa khớp quá nặng, cần phải thay khớp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top