Khi bạn nghe về bệnh “viêm khớp”, bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một người cao tuổi bị đau khớp. Nhưng, bệnh viêm xương khớp thực ra có thể xuất hiện cả ở những người đang còn rất trẻ, khoảng 20 tuổi.
Viêm xương khớp là tình trạng thoái hóa xảy ra khi các sụn đệm bảo vệ khớp của bạn bị mòn hoặc rách. Tình trạng viêm xương khớp sẽ xảy ra một cách từ từ và sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn theo thời gian. Viêm xương khớp là dạng bệnh viêm khớp phổ bién nhất, ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người trưởng thành Mỹ. Căn bệnh này ảnh hưởng chủ yếu đến các khớp bàn tay, đầu gối, khớp hông và khớp cột sống.
Biết rõ những sự thật về bệnh viêm xương khớp có thể giúp bạn bảo vệ được khớp của mình, cho dù bạn bao nhiêu tuổi. Dưới đây là những gì người trẻ nên biết về các triệu chứng, các yếu tố nguy cơ và lựa chọn điều trị tốt nhất cho bệnh viêm xương khớp.
Với người trẻ, viêm xương khớp thường sẽ ảnh hưởng đến các khớp phải chịu nhiều sức nặng, ví dụ như khớp gối, khớp hông và khớp mắt cá chân, bởi đây là những khớp dễ bị tổn thương trong quá trình hoạt động thể thao hoặc do tình trạng béo phì. Mặc dù triệu chứng viêm xương khớp có thể sẽ khác nhau phụ thuộc vào loại khớp bị ảnh hưởng, nhưng bạn cần lưu ý đến các triệu chứng thực thể như có cảm giác bị khóa hoặc bị nghiến ở bên trong xương, đặc biệt là ở đầu gối. Một dấu hiệu cảnh báo khác: tình trạng đau khớp kéo dài, diễn biến ngày càng nặng và không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi hoặc sau khi dùng các thuốc chống viêm.
Một triệu chứng khác ít phổ biến hơn ở người trẻ là dị dạng khớp. Tình trạng này xảy ra theo thời gian và thường gặp trong các trường hợp bị viêm khớp nặng. Với một số người, khi bệnh viêm khớp diễn biến nặng hơn, thì cơn đau tại đầu gối hoặc tình trạng biến dạng chân vịt của khớp cũng sẽ diễn biến xấu hơn.
Bạn sẽ có nguy cơ cao bị viêm xương khớp nếu đó là căn bệnh di truyền trong gia đình. Nếu bạn là một người trẻ và bạn bắt đầu nhận thấy các cơn đau đầu gối dai dẳng, cả ông bà và bố mẹ bạn đều đã được thay khớp, thì rất có thể, bạn đang xuất hiện những triệu chứng sớm của tình trạng viêm khớp.
Duy trì cân nặng hợp lý là một trong số những cách tốt nhất để dự phòng bệnh viêm xương khớp. Thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên các khớp và có thể sẽ khiến các sụn đệm mòn và rách nhanh hơn bình thường. Đầu gối và mắt cá chân rất nhạy cảm với tình trạng viêm xương khớp liên quan đến béo phì bởi đây là 2 khớp hỗ trợ rất lớn cho sức nặng của cơ thể. Tình trạng viêm khớp gối đang có xu hướng trẻ hóa, và có thể xuất hiện ở những người khoảng 30 tuổi, thậm chí là những người 27-28 tuổi. Mắt cá chân cũng rất nhạy cảm với cân nặng của cơ thể bởi đó là một khớp rất nhỏ nhưng lại phải chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể.
Yếu tố nguy cơ cuối cùng của bệnh viêm xương khớp ở người trẻ tuổi, cũng là yếu tố đáng kinh ngạc nhất: Đó là sống quá năng động hoặc là một vận động viên. Một bài báo năm 2014 trên tạp chí Clinical Medicine Insights: Arthritis and Musculoskeletal Disorders đã nhấn mạnh rằng, vận động viên sẽ dễ bị tổn thương khớp hơn người bình thường, do vậy, sẽ có nguy cơ bị viêm khớp cao hơn. Nguyên nhân đơn giản là do vận động viên sẽ sử dụng các khớp xương nhiều hơn, do vậy, sẽ làm tăng tốc độ mòn và rách các sụn đệm.
Một số người sinh ra đã mắc phải tình trạng loạn sản khớp hông, một sự hình thành bất thường của ổ khớp hông và tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ viêm khớp hông. Với loạn sản khớp hông, ổ khớp hông của người bệnh sẽ nông hơn bình thường do vậy các sụn đêm sẽ mòn nhanh hơn. Những người bị viêm khớp hông có thể sẽ bắt đầu phát triển triệu chứng ở cuối những năm 20 tuổi, đầu những năm 30 tuổi.
Chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn tình trạng viêm xương khớp, nhưng có rất nhiều cách đã được chứng minh có thể giúp kiểm soát tình trạng đau, bao gồm việc giảm cân, vật lý trị liệu, châm cứu và sử dụng các thuốc chống viêm kê đơn hoặc không kê đơn. Nếu những cách này không giúp ích cho bạn, bạn có thể sẽ cần phải tiêm cortisone, nhưng bạn sẽ phải rất thận trọng về tần suất tiêm. Bởi theo thời gian, cortisone có thể sẽ tích tụ quá nhiều trong khớp và có thể sẽ khiến các sụn đệm khỏe mạnh cũng sẽ bị mài mòn. Do vậy, những người trẻ không nên tiêm cortisone thường xuyên với lượng lớn, nhưng thỉnh thoảng tiêm một mũi thì sẽ không sao cả.
Với tình trạng viêm xương khớp nặng, bạn nên trao đổi với bác sỹ về việc thay khớp. Việc này đặc biệt sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc cống của những người bị viêm khớp hông. Ngưỡng tuổi thay thế khớp hông thường cũng trẻ hơn rất nhiều so với ngưỡng tuổi thay thế khớp gối hoặc các khớp khác. Và khớp được thay thế vào sẽ có cảm giác và hoạt động như khớp tự nhiên.
Tuy nhiên, không phải phương pháp nào bạn đã từng nghe nói đến dùng để điều trị viêm xương khớp cũng sẽ có hiệu quả. Bạn nên thận trọng với phương pháp tiêm gel và dùng huyết tương giàu tiểu cầu. Phương pháp tiêm tế bào gốc cũng đang gây rất nhiều tranh cãi bởi đó là một phương pháp mới và các bằng chứng về hiệu quả của phương pháp này chưa đầy đủ.
Hãy lắng nghe cơ thể bạn trong quá trình luyện tập thể thao. Các bài tập cường độ cao như plyometrics (các bài tập không cần dụng cụ hỗ trợ) hoặc tập chạy có thể sẽ làm viêm thêm các khớp đã bị tổn thương và làm nặng thêm các triệu chứng của bạn. Với tình trạng viêm khớp gối, bạn nên tránh các bài tập cần gập gối quá nhiều (ví dụ như tập squat, lugne). Những bài tập dạng này sẽ khiến phần gối trước phải chịu rất nhiều áp lực.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bạn nên ngừng hẳn việc luyện tập thể thao. Luyện tập thể thao rất quan trọng trong việc duy trì sức khở của khớp bởi luyện tập có thể làm khỏe các cơ ở quanh khớp bị tổn thương, mở rộng giới hạn chuyển động của các khớp và giúp bạn kiểm soát cân nặng của mình. Những người bị viêm khớp vẫn có thể tập luyện các bài tập cường độ thấp nhưng vẫn có tác dụng lên hệ tim mạch và chuyển hóa như bơi lội, đạp xe…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh