Nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy đói

1. Bạn đã nạp quá nhiều carbohydrate

Ăn một bữa giàu carbohydrate vào buổi tối hôm trước có thể là một nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy đói cồn cào vào ngày hôm sau, thậm chí sau cả khi vừa đánh chén thứ gì đó. Lí do vì, khi chúng ta nạp quá nhiều carbohydrate trong một lần ăn, chúng được hấp thu nhanh chóng vào cơ thể dưới dạng các loại đường. Việc tăng nồng độ các loại đường, đặc biệt là glucose, trong máu dẫn đến việc bùng phát sản sinh insulin, hormone kích thích các tế bào của chúng ta thâu tóm glucose.

 

Khi tất cả đường bị loại bỏ nhanh chóng khỏi máu, nó kích hoạt cơn đói và cảm giác thèm thực phẩm carbohydrate hơn nữa. Bạn có thể bất ngờ tỉnh giấc vào ban đêm với cơn đói cồn cào nếu điều đó xảy ra.

Hãy nghĩ đến khoai lang, gạo lức ăn kèm một khẩu phần protein hợp lý như một miếng cá hoặc thịt gà, cùng một khẩu phần rau quả không chứa tinh bột như súp lơ hay các loại rau xanh khác. Chúng sẽ giúp carbohydrate được tiêu hóa và hấp thu chậm hơn, khiến bạn cảm thấy no lâu hơn và không gây ra sự tăng đột biến insulin làm giảm đường huyết của bạn.

 

2. Bạn cần ngủ thêm

Ngủ không đủ giấc có thể tác động trực tiếp đến việc chúng ta cảm thấy đói đến mức nào và chúng ta ăn bao nhiêu. Các nhà nghiên cứu phát hiện, thời lượng ngủ quá ít làm giảm lượng hoóc môn ức chế cơn đói leptin và làm tăng lượng hoóc môn kích thích cơn đói ghrelin. Đây là lí do tại sao ngủ ít cũng có thể dẫn đến tình trạng tăng cân.

Trong trường hợp này, bạn cần nạp thêm magiê để giúp thư giãn các cơ, có thể giúp chúng ta có giấc ngủ thư thái và đủ giấc.

 

 

3. Bạn đang khát

Đôi khi, cơn khát có thể thực sự bị nhầm lẫn là cơn đói. Chúng ta cảm thấy mình vô cùng thèm thứ gì đó và diễn dịch nó là cơn đói, trong khi tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một hoặc 2 cốc nước.

Lí do vì, nước cũng rất cần cho các tế bào của chúng ta sử dụng các chất dinh dưỡng hấp thu từ thức ăn. Việc thiếu chất dinh dưỡng sẵn có khiến cơ thể của chúng ta thèm nhiều thức ăn hơn. Đây chính là lí do bạn cần phải đảm bảo rằng bản thân uống nước khắp cả ngày và không chỉ khi xuất hiện cảm giác thèm.

Uống nước giữa các bữa ăn nhìn chung cũng khiến chúng ta cảm thấy no hơn và có thể giúp kiểm soát sự thèm ăn của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không nên uống nhiều nước ngay trước, trong và sau bữa ăn vì việc đó hòa loãng các dịch tiêu hóa và có thể tác động tiêu cực đến quá trình tiêu hóa của bạn.

 

4. Bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt

Các nhà nghiên cứu phát hiện, sự ngon miệng và lượng thực phẩm hấp thu của một người phụ nữ tăng lên trong nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như sau thời điển rụng trứng và trong khoảng thời gian dẫn tới hành kinh.

Để giúp cân bằng đường huyết và kiểm soát sự thèm ăn trong giai đoạn này, điều thiết yếu là người phụ nữ cần tập trung ăn các thực phẩm giàu protein vào mỗi bữa như cá, thịt, trứng, các loại hạt và đậu, đồng thời giảm thiểu việc hấp thu các loại carbohydrate và đường đã qua xử lý và tinh chế. Ngoài ra, do caffeine và chất cồn cũng có thể tác động rất lớn đến sự cân bằng hoóc môn, nên người phụ nữ cần tránh thu nạp các loại đồ uống này tới mức tối đa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top