✴️ Chăm sóc răng và nướu đúng cách

Chăm sóc răng miệng tốt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn thân. Sức khỏe răng miệng kém có liên quan đáng kể đến các bệnh mãn tính thường gặp, có thể gây tàn tật và khiến bạn tự ti hơn.

Chăm sóc răng và nướu đúng cách không đòi hỏi quá nhiều thời gian hay các dụng cụ vệ sinh răng miệng đắt tiền. Tránh tiêu thụ các loại đường đơn và thực hiện chải răng nhẹ nhàng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày là nền tảng cơ bản.

Thêm vào đó, không hút thuốc, uống nhiều nước, khám nha khoa và vệ sinh răng miệng định kỳ cũng cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng và ngừa sâu răng.

Những thông tin nhanh về chăm sóc răng và nướu:

  • Răng được cấu tạo chủ yếu từ các chất khoáng.
  • Mảng bám là một lớp màng dính, không màu chứa vi khuẩn bám vào răng.
  • Khi vi khuẩn tiêu thụ đường, chúng tạo ra axit ăn mòn men răng.
  • Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ đáng kể nhất liên quan đến diễn tiến bệnh nha chu.

 

Cách chải răng

Chải răng với kem đánh răng chứa Fluor là phương pháp tốt nhất để giảm thiểu mảng bám.

Hiệp hội Vệ sinh Nha khoa Hoa Kỳ (ADHA) khuyến nghị chải răng trong 2 phút, hai lần mỗi ngày.

Kĩ thuật chải răng đúng cách giúp làm sạch răng và nướu hiệu quả:

  • Sử dụng bàn chải lông mềm – để ngăn ngừa tổn thương men răng, chỉ sử dụng bàn chải lông mềm.
  • Chải răng với góc 45 độ - góc độ đặt bàn chải rất quan trọng, bàn chải nên được đặt một góc 45 độ với bề mặt răng ngay tại đường viền nướu.
  • Động tác chính xác – thực hiện động tác tới lui nhẹ nhàng, xoay tròn biên độ nhỏ, tất cả các mặt răng đều được chải nhẹ nhàng, tránh chuyển động chà xát hoặc tới lui biên độ lớn.
  • Chải lưỡi – dùng bàn chải chải nhẹ nhà vùng lưỡi.
  • Giữ miệng sạch sẽ sau khi chải răng – tránh ăn 30 phút sau chải răng.

Bàn chải nên được thay mới mỗi 3 tháng, cũng như sau khi bị bệnh.

Dùng chỉ nha khoa

Dùng chỉ nha khoa hàng ngày rất cần thiết trong việc loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa mà khi chải răng không thể lấy hết được.

Vùng dưới nướu và khoảng hẹp giữa các răng là những vùng dễ tổn thương khi hình thành mảng bám và tích tụ vôi răng.

Nếu bạn không dùng chỉ nha khoa thường xuyên, việc hinh thành mảng bám và vôi răng có thể dẫn tới sâu răng, cũng như bệnh nha chu.

Cách chải răng

 

Những thực phẩm nên sử dụng và nên tránh

Có nhiều bằng chứng cho thấy đường là chế độ ăn uống góp phần lớn nhất gây bệnh răng miệng. Cụ thể, số lượng và tần suất tiêu thụ đường tự do quyết định mức độ nghiêm trọng bệnh sâu răng.

Đồ ăn và thức uống cần tránh

Nên hạn chế ăn đường và bánh kẹo vì vi khuẩn trong miệng cần đường để sản xuất axit gây suy yếu men răng và làm hỏng răng. Mỗi lần răng tiếp xúc với đường, quá trình khử khoáng bắt đầu và có thể mất đến một giờ để môi trường miệng trở lại điều kiện pH bình thường, không có tính axit.

Cụ thể cần tránh ăn uống các thực phẩm sau:

  • Soda;
  • Kẹo;
  • Đồ ngọt và các thức ăn vặt chứa đường;
  • Sô cô la;
  • Bánh quy;
  • Thức ăn nhanh, thường có chứa đường.

Các loại thức ăn Carbohydrate lên men cũng cần tránh như:

  • Bánh mì;
  • Bánh quy;
  • Chuối;
  • Ngũ cốc ăn sáng.

Các nghiên cứu cho tiêu thụ thực phẩm giàu tinh bột và trái cây tươi có liên quan đến mức độ sâu răng thấp hơn, do đó nguy cơ không cao như khi tiêu thụ đường.

Ăn nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tránh tiêu phụ các thực phẩm chứa đường và tinh bột rất quan trọng trong việc giữ cho răng và nướu khỏe mạnh.

Đồ ăn và thức uống cần thận trọng

Trái cây và rau giòn như táo, lê, cần tây và cà rốt rất tốt khi dùng trong bữa ăn vì hoạt động nhai làm tăng sản xuất nước bọt mà nước bọt thì giúp bảo vệ răng.

Nên uống nhiều nước lọc. Đối với các loại nước ngọt hoặc nước trái cây (ăn kiêng và loại thường) nên được dùng một cách thận trọng.

Hầu hết các loại nước ngọt đều chứa axit photphoric, chất này cản trở khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Nước ép trái cây cũng gây hại cho răng do có chứa đường. Uống những loại đồ uống này bằng ống hút cũng có thể giúp giảm thiểu thời gian răng tiếp xúc với axit.

Nhai kẹo cao su không đường 10 phút sau bữa ăn có thể giúp ngừa sâu răng.

 

Sâu răng

Sâu răng ảnh hưởng tới mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh tăng theo tuổi tác. Sâu răng gồm:

  • Sâu răng tạo lỗ - là những bề mặt cứng của răng bị sâu tạo thành những khe hở hoặc lỗ rất nhỏ.
  • Sâu răng – quá trình này đòi hỏi sự tiếp xúc với đường nhưng cũng phụ thuộc vào sự nhạy cảm của răng, phổ vi khuẩn trong miệng, số lượng và chất lượng của nước bọt và thời gian răng tiếp xúc với đường.

Sâu răng tạo lỗ và sâu răng nói chung là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất thế giới. Sâu răng thường gặp ở trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn tuổi. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể bị sâu răng, kể cả trẻ sơ sinh.

Cách tốt nhất để chăm sóc răng và nướu là có thói quen ăn uống lành mạnh, chải răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày, đi khám và vệ sinh răng miệng thường xuyên.

 

Thăm khám nha khoa

Chải răng và dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ hầu hết mảng bám nhưng có một số mảng bám lại khó loại bỏ hơn và cứng dần tạo thành vôi răng. Chỉ có bác sĩ nha khoa làm sạch mới có thể loại bỏ vôi răng.

Mảng bám và vôi răng không được loại bỏ không chỉ gây sâu răng mà còn đi sâu xuống nướu, gây ra bệnh nha chu trầm trọng. Cuối cùng, bệnh càng ngày càng nặng và cách điều trị duy nhất là nhổ răng.

Chăm sóc răng và nướu đúng cách không đòi hỏi quá nhiều thời gian. Chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen vệ sinh răng miệng tại nhà, khám và vệ sinh răng miệng định kỳ sẽ giữ cho răng và nướu khỏe mạnh và mang lại cho bạn nụ cười đẹp, đầy sức sống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top