Răng khôn là răng số mấy?
Răng khôn là răng hàm lớn thứ ba mọc ở phía trong cùng trong hàm, hầu hết mọi người đều có 4 chiếc răng khôn – 2 răng trên cùng và 2 răng dưới cùng. Răng khôn hàm dưới có tỷ lệ mọc lệch và mọc ngầm hơn răng khôn hàm trên.
Độ tuổi mọc răng khôn sẽ từ 17 đến 25, răng khôn khi mọc có thể dẫn đến đau, tổn thương các răng khác và gây ra các vấn đề răng miệng khác.
Triệu chứng khi mọc răng khôn
Răng khôn khi mọc không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Tuy nhiên khi một chiếc răng khôn bị nhiễm trùng lúc mọc có thể làm hỏng các răng khác hoặc gây ra các vấn đề răng miệng bao gồm:
Nướu đỏ hoặc sưng
Chảy máu nướu
Đau hàm
Sưng quanh quai hàm
Hôi miệng
Khó mở miệng
Nguyên nhân răng khôn mọc lệch
Tình trạng răng khôn mọc lệch có thể do một số nguyên nhân sau đây:
Kích thước giữa răng và xương hàm có xu hướng mất cân đối
Răng hàm ít hoạt động nhai do thực phẩm chế biến mềm làm cho xương kém phát triển
Răng khôn mọc chậm nhất trên cung răng do đó thiếu chỗ để mọc
Răng khôn mọc trong độ tuổi từ 18 – 25, thời điểm này xương hàm không còn tăng trưởng mà đã trưởng thành và độ cứng cao
Niêm mạc lợi phủ quá dày và quá chắc
Giai đoạn mầm răng khôn đang phát triển đồng thời xương hàm cũng phát triển xuống dưới và ra trước, do đó quá trình phát triển của mầm răng khiến thân răng mọc lệch gần và chân răng lệch xa.
Ngoài ra yếu tố chủng tộc cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mọc răng không, người châu Á khung hàm nhỏ nên dễ bị răng khôn mọc lệch hơn người châu Âu.
Các hướng mọc răng khôn bao gồm:
Mọc gần và nghiêng về phía răng 7
Mọc kẹt theo chiều thẳng đứng
Mọc kẹt nghiêng về phía sau
Mọc kẹt nằm ngang
Mọc kẹt trong niêm mạc miệng và bị lợi trùm
Mọc kẹt trong xương hàm, bị bọc kín bởi xương hàm và không trồi lên được
Biến chứng khi mọc răng khôn
Răng khôn khi mọc có thể gây ra một số vấn đề trong miệng như:
Viêm lợi trùm
Khi răng khôn mọc, nếu không vệ sinh sạch sẽ bị nhồi nhét thức ăn gây viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh chân răng dẫn đến viêm lợi trùm, nặng hơn là bị áp xe, cứng hàm.
Nếu tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ làm phá hủy xương quanh răng và răng bên cạnh, viêm xương hàm, nhiễm trùng máu…
Sâu răng bên cạnh
Răng khôn mọc lệch, nghiêng tựa vào răng 7 bên cạnh sẽ làm mắc kẹt thức ăn và khó làm sạch. Điều này làm cho răng có nguy cơ cao bị sâu.
Nang thân răng
Răng khôn mọc ngầm trong xương sẽ tạo nang thân răng phát triển âm thầm trong xương hàm. Nếu chủ quan không điều trị, xương hàm sẽ bị tiêu xương dần và tăng cao nguy cơ gãy xương hàm.
Xô lệch hàm răng
Khi mọc lệch nghiêng về răng phía trước sẽ khiến các răng này bị xô lệch và chen chúc nhau gây mất thẩm mỹ hàm răng.
Bệnh nha chu
Răng không lệch ngầm gây nên bệnh nha chu cho các răng kế bên như khó vệ sinh răng, tiêu xương ổ răng…
Khít hàm
– Khó há miệng, hoặc há miệng bị hạn chế
– Nhiễm trùng xảy ra sau viêm cấp
– Góc hàm bị sưng
– Bị đau khi ăn nhai, cử động hàm
Khi nào cần nhổ răng khôn?
Trường hợp nha sĩ chỉ định nhổ răng sẽ là:
Răng mọc lệch hoặc mọc ngầm gây ra biến chứng: đau, khít hàm, viêm sưng, sâu răng…
Răng mọc lệch khỏi cung răng, không tham gia vào việc ăn nhai, gây khó khăn khi vệ sinh răng miệng
Khi cần chỉnh răng, phục hình răng
Trước khi chẩn đoán nha sĩ sẽ yêu cầu chụp phim X-quang để xác định vị trí, chiều răng mọc rồi mới chỉ định phương pháp điều trị.
Sau khi nhổ răng để giảm đau và lành nhanh hơn nên chú ý:
Ðể giảm sưng, hãy áp bịch đá vào má trong 30 phút rồi bỏ ra trong 30 phút và cứ tiếp tục như thế.
Cắn chặt một miếng gạc sạch để cầm máu.
Chỉ ăn thức ăn mềm và uống thêm nước.
Tránh nhai các loại thức ăn cứng hay giòn ở chỗ nhổ răng.
Vệ sinh răng kĩ càng vào ngày hôm sau cuộc giải phẫu.
Dùng thuốc theo toa của bác sĩ và theo đúng các hướng dẫn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh