Phương pháp chăm sóc răng miệng cho mọi độ tuổi

Nếu bạn có thói quen chăm sóc răng tốt từ rất sớm, thì bạn sẽ ít khả năng mắc phải các vấn đề về răng miệng khi về già. Ngoài ra, những người có thói quen chăm sóc răng miệng tốt còn giảm nguy cơ bị tiểu đường và bệnh tim mạch, đồng thời có chỉ số huyết áp thấp hơn nếu tuân thủ đúng các bước chăm sóc răng miệng.

Thói quen chăm sóc răng miệng tốt cần được thực hiện ngay từ khi sinh ra, trước khi bắt đầu mọc răng và duy trì hàng ngày trong suốt cả đời, sẽ đem lại sự khác biệt về sức khoẻ răng miệng của bạn khi về già

Trẻ nhỏ

Tất cả trẻ em nên được gặp nha sĩ khám răng khi vừa tròn 1 tuổi, theo khuyến nghị của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ. Nha sĩ sẽ có thể hướng dẫn bạn cách giữ khoang miệng của trẻ luôn sạch sẽ và cách tránh những vấn đề thường xảy ra như sâu răng do bú bình. Tốt nhất, trẻ em không nên bú bình hoặc uống nước trái cây trước giờ đi ngủ. Khi trẻ em đi ngủ, trẻ sẽ không nuốt nhiều như lúc thức, do vậy răng trẻ có thể sẽ ngập tràn trong đường nếu trẻ ăn/uống trước giờ đi ngủ. Do đó, trẻ sẽ rất dễ bị sâu răng.

Từ trước khi trẻ nhỏ mọc răng, bạn nên rơ miệng lưỡi của trẻ hàng ngày bằng khăn mềm hoặc khăn dành riêng cho việc rơ miệng lưỡi để giúp loại bỏ vi khuẩn gây tưa miệng. Khi trẻ bắt đầu có răng, hãy cho trẻ dùng bàn chải mềm, chải răng ít nhất một lần một ngày. Trẻ nhỏ chưa phát triển kỹ năng vận động tinh đủ để trẻ có thể chải sạch răng của mình cho đến khi trẻ khoảng 8 tuổi. Việc dùng chỉ nha khoa nên bắt đầu từ khi trẻ được khoảng 3 tuổi.

Lên lịch đến gặp bác sĩ nha khoa 2 lần/năm cho trẻ và hỏi ý kiến bác sĩ về chất trám răng, để giúp bảo vệ răng bạn khỏi tình trạng sâu răng. Nếu bạn sử dụng nước giếng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có cần bổ sung thêm flo hay không.

 

Thanh thiếu niên

Khi trẻ bước vào thời kỳ dậy thì, thanh thiếu niên, răng của trẻ sẽ tăng nguy cơ bị sâu và mắc bệnh viêm lợi. Đó là bởi vì việc chải răng và dùng chỉ nha khoa sẽ trở thành trách nhiệm riêng của trẻ và có thể trẻ sẽ không quá quan tâm đến việc đó. Khi không ở nhà, trẻ có thể tiêu thụ một lượng lớn đồ uống có đường, giúp “nuôi dưỡng” các loại vi khuẩn trong miệng.

Thông thường, độ tuổi này cũng là giai đoạn trẻ dễ bị sâu răng nhất, nguyên nhân là vì trẻ biết cách chải răng nhưng không ý thức được tầm quan trọng của việc dùng chỉ nha khoa với sức khoẻ răng miệng. Mọc răng khôn cũng có thể là một vấn đề ở giai đoạn này. Trẻ nên được nhổ răng khôn vì đa số mọi người sẽ không đủ không gian trong miệng cho răng khôn mọc. Ở giai đoạn này, nhổ răng khôn tương đối đơn giản vì chân răng chưa hình thành và xương còn đang dẻo.

 

Người trưởng thành

Người trưởng thành thường cho rằng nếu các vấn đề về răng miệng không gây phiền hà đến họ, thì họ sẽ không cần đến gặp nha sĩ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Các vấn đề về răng miệng sẽ không gây đau cho đến khi các dây thần kinh bị tổn thương. Người trưởng thành nên chải răng hai lần một ngày bằng kem đánh răng có chứa flo và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày. Bàn chải điện cũng có thể có tác dụng tốt, nhưng không phải tất cả mọi người đều cần bàn chải điện. Bạn có thể sử dụng bàn chải thông thường mà vẫn chải răng sạch như sử dụng bàn chải điện. Tuy nhiên, đa số mọi người sẽ có xu hướng chải răng lâu hơn so với bàn chải điện.

Chăm sóc răng miệng càng trở nên quan trọng hơn với phụ nữ mang thai vì nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa bệnh về lợi và việc sinh ra trẻ có cân nặng thấp. Trong quá trình mang thai, hormone trong cơ thể sẽ thay đổi, do vậy, phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ bị viêm lợi cao hơn.

Ở tuổi trưởng thành, tần suất đến gặp nha sĩ sẽ phụ thuộc vào tiền sử sức khoẻ răng miệng của bạn, kỹ năng vệ sinh cá nhân cũng như yếu tố di truyền. Đa số mọi người nên đến gặp nha sĩ 6 tháng/lần.

 

Trung niên

Đây là giai đoạn răng bạn bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu “lão hoá”. Phần hàn răng từ nhiều năm trước sẽ bắt đầu xuống cấp. Các ống tuỷ răng và mão răng sẽ lộ ra nhiều hơn vì bạn phải hàn răng nhiều lần. Các bệnh về nướu lợi cũng sẽ phát triển nhiều hơn ở độ tuổi trung niên. Bạn sẽ cần tập trung vào việc chải răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Ở độ tuổi  này, các bệnh về nướu lợi đã được chứng minh có liên quan đến bệnh tim mạch.

Ung thư khoang miệng cũng sẽ trở thành một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là ở những người hút thuốc lá. Nếu bạn bị viêm loét trong miệng và không khỏi trong vòng 2 tuần, bạn nên đến gặp nha sĩ.

 

Người cao tuổi

Khi chúng ta già đi, việc dùng thuốc có thể giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, tác dụng phụ của rất nhiều loại thuốc sử dụng trong giai đoạn này là khô miệng. Nước bọt chính là chất bảo vệ răng tự nhiên, do vậy, khi bị khô miệng nguy cơ sâu răng sẽ tăng lên. Nhiều người có thể sử dụng kẹo cứng hoặc kẹo cao su để chống lại tình trạng khô miệng, tuy nhiên, thói quen này đôi khi lại gây hại nhiều hơn có lợi bởi đường sẽ “nuôi dưỡng” vi khuẩn trong miệng của bạn. Để kích thích sản xuất nước bọt, bạn nên sử dụng kẹo cao su sử dụng đường thay thế tự nhiên là xylitol, vì loại đường này sẽ bắt chước hoạt động của flo. Kẹo cứng không đường và kẹo sao su  không đường cũng có thể sử dụng trong trường hợp này.

Nếu bạn bị viêm khớp hoặc suy giảm thị lực, gây ảnh hưởng đến việc chải răng của bạn, bạn có thể sử dụng bàn chải điện. Ngoài ra, nên tiếp tục đến gặp nha sĩ 2 lần/năm.

Việc chăm sóc sức khoẻ răng miệng tốt ở giai đoạn này không chỉ giúp bạn có một nụ cười đẹp. Tình trạng mất răng có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn và khả năng ăn uống của bạn. Và nếu khả năng ăn uống của bạn không tốt, bạn sẽ có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, thói quen chăm sóc răng không tốt có thể sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào dòng máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm phổi, tiểu đường và loãng xương.

Vì những lý do trên, nên việc bảo vệ răng miệng là rất quan trọng. Bạn sớm sẽ nhận ra lợi ích của việc chải răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên và đến gặp nha sĩ 2 lần/năm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top