✴️ Bệnh tay chân miệng có lây không?

Nội dung

Bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm cho trẻ nếu bố mẹ phát hiện trễ và không điều trị kịp thời. Vậy bệnh tay chân miệng có lây không là vấn đề nhiều người băn khoăn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp cụ thể bạn đọc có thể tham khảo.

 

1. Biểu hiện bệnh tay chân miệng là gì?

Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3-7 ngày.

Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như sốt (sốt thường kéo dài 24-48 giờ), chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.

Sau đó, khoảng 1-2 ngày, người bệnh xuất hiện triệu chứng đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.

Tay chân miệng là bệnh lý dễ lây nhiễm và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị hiệu quả

Tay chân miệng là bệnh lý dễ lây nhiễm và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị hiệu quả

 

Bên cạnh đó, bệnh nhân tay chân miệng còn bị phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ, đôi khi còn có hiện tượng rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc ở cơ quan sinh dục.

Đặc biệt, người bị bệnh tay chân miệng có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có phát ban, loét miệng. Nhiều trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và dẫn đến tử vong.

 

2. Bệnh tay chân miệng có lây không?

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân).

Do đó, tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm cũng xuất hiện bệnh. Trong đó, trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất kèm theo các biến chứng nặng.

 

3. Cách phòng bệnh tay chân miệng như thế nào?

– Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

Vệ sinh sạch sẽ phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả

Vệ sinh sạch sẽ phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả

 

– Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.

– Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

– Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn.

– Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;

– Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho;

– Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách;

– Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top