Say nắng không chỉ đơn thuần là cảm giác mệt mỏi tạm thời, mà là một tình trạng khẩn cấp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Khi cơ thể "quá tải" vì nhiệt
Say nắng, hay còn gọi là sốc nhiệt, xảy ra khi cơ thể tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao, khiến thân nhiệt tăng lên mức nguy hiểm (trên 40 độ C). Lúc này, cơ chế điều hòa thân nhiệt tự nhiên của cơ thể bị quá tải, không thể làm mát hiệu quả, dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải và gây tổn thương các cơ quan nội tạng quan trọng.
Những người thường xuyên làm việc hoặc hoạt động nhiều ngoài trời nắng nóng, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, có nguy cơ cao bị say nắng. Trẻ em do hệ thống điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện, còn người cao tuổi do khả năng thích nghi với nhiệt độ kém hơn.
Nhận diện "tín hiệu cầu cứu" của cơ thể
Say nắng không chỉ là cảm giác mệt mỏi thoáng qua. Cơ thể sẽ phát ra những "tín hiệu cầu cứu" mà chúng ta cần nhận biết để có thể can thiệp kịp thời.
Giai đoạn đầu:
- Mệt mỏi, kiệt sức: cơ thể cảm thấy mệt mỏi bất thường, không thể tiếp tục hoạt động.
- Đau đầu, chóng mặt: đau đầu dữ dội, cảm giác choáng váng, mất thăng bằng.
- Buồn nôn, nôn: có thể kèm theo cảm giác nôn nao, khó chịu ở dạ dày.
- Da nóng, đỏ: da trở nên nóng ran và ửng đỏ do nhiệt độ cơ thể tăng cao.
- Khát nước dữ dội: cảm giác khát nước liên tục, không thể giải tỏa bằng cách uống nước như thông thường.
Giai đoạn nặng:
- Lú lẫn, mất phương hướng: không thể tập trung, suy nghĩ không rõ ràng, mất khả năng định hướng.
- Co giật: cơ thể co giật không kiểm soát.
- Mất ý thức: ngất xỉu, hôn mê.
- Thân nhiệt tăng rất cao: thân nhiệt vượt quá 40 độ C, có thể lên đến 41-42 độ C.
Hành động khẩn cấp khi gặp người say nắng
Khi gặp người có dấu hiệu say nắng, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:
- Đưa nạn nhân vào nơi mát mẻ: di chuyển nạn nhân đến nơi râm mát, thoáng gió, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Hạ thân nhiệt: cởi bớt quần áo, dùng khăn mát hoặc túi chườm đá đặt hoặc lau lên trán, cổ, nách, bẹn.
- Bù nước và điện giải: nếu nạn nhân còn tỉnh táo, cho uống nước mát hoặc dung dịch oresol để bù nước và điện giải.
- Gọi cấp cứu: ngay cả khi nạn nhân có vẻ hồi phục sau sơ cứu, vẫn cần gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện và điều trị cấp cứu kịp thời.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Phòng ngừa say nắng là cách tốt nhất để bảo vệ tránh nhưng nguy hại say nắng mang đến cho bạn. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa bạn có thể thực hiện:
- Hạn chế ra ngoài trời nắng, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy hạn ché thời gian phải ở ngoài nắng hoặc xen kẽ những khoảng thời gian ngoài nắng và trong nhà/ bóng râm.
- Mặc quần áo thoáng mát, khi ra ngoài trời nắng nên chọn trang phục sáng màu, rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, độ che kín cao (quần áo dài).
- Bảo vệ da và mắt khi ra ngoài trời, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, sử dụng kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài trời nắng và bôi lại khi cần thiết.
- Uống đủ nước: uống nước thường xuyên, ngay cả khi không cảm thấy khát, đảm bảo nhu cầu nước uống tính theo tuổi. Nếu ra ngoài nắng hoặc vận động nhiều cần tăng thêm lượng nước uống và ưu tiên các loại nước có bổ sung chất điện giải, muối khoáng.
- Bổ sung điện giải: Uống nước oresol, nước dừa hoặc ăn trái cây giàu kali như chuối, cam.
Chú ý bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ nhỏ
Do khả năng chống nắng chưa hoàn thiện nên trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nắng nóng. Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên vận động, chơi nhiều ngoài trời trong mùa hè. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt chú ý bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời, trong đó lưu ý đến việc cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, đội mũ nón, sử dụng kem chống nắng dành cho trẻ em đúng cách khi ra ngoài. Lưu ý việc cho trẻ uống đủ nước và có một chế độ dinh dưỡng thích hợp trong mùa hè.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh