✴️ Vị thuốc cây Lấu

Tên thường gọi: Lấu, Bời lời, Bồ chát, Cây men sứa

Tên khoa học: Psychotria rubra (Lour.) Poir.

Họ: Cà phê - Rubiaceae

Công dụng: chữa rối loạn tiêu hóa, làm thuốc chữa đau răng, đau viêm tai, đái ra máu, đắp vết thương, vết loét, chữa lị, rắn cắn.

1. Mô tả

  • Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 2-8m. Cành non gần hình vuông, màu nâu đỏ, cành già màu xám sẫm.
  • Lá mọc đối, hình bầu dục – thuôn, dài 8-20cm, rộng 2-7cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên màu lục, đôi khi pha nâu đỏ, mặt dưới màu xám nhạt, gân nổi rõ, lá kèm sớm rụng.
  • Cụm hoa mọc ở đầu thành xim ngù, dài 2-6cm, hoa màu trắng, đài 5 răng có ống ngắn, tràng 5 cánh có long ở họng, 5 nhị dính ở họng tràng, chỉ nhị dài gần bằng bao phấn, bầu hạ 2 ô.
  • Quả gần hình cầu, có đài tồn tại, khi chin màu đỏ, mỗi ô chứa một hạt.
  • Mùa hoa quả: tháng 5-7.

Bộ phận dùng:

  • Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.
  • Lá thường dùng tươi, chế thành cao khô.

2. Thành phần hóa học

Rễ và lá lấu chứa tannin 14,9%, các dẫn xuất anthraquinon như psychorubin và helenalin.

3. Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng khuẩn: dịch chiết lá lấu có tác dụng kháng một số vi khuẩn như Staphylococus aureus, Proteus vulgaris, Streptococus faecalis, Bacillus anthracis, Escherichia coli, Streptococus pneumonia

4. Tính vị công năng

  • Rễ lấu có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, sinh cơ.
  • Lá lấu có vị đắng, tính bình, có tác dụng khu sáp, chỉ tả, tiêu độc, cầu máu

5. Công dụng

Rễ lấu chữa kiết lỵ, thương hàn, thấp khớp, đau lưng, nhức xương, vết thương chảy máu.

Lá lấu chữa cảm mạo, bạch cầu, viêm amidan, viêm họng, tiêu chảy. Dùng ngoài, lá trị đòn ngã tổn thương, vết thương chảy máu, viêm mủ da, mẩn ngứa, còn dùng để khử mùi tanh của cá, hải sản.

  • Thân cây lấu chữa bang huyết, đi lỵ, đau bụng sau đẻ, khí hư, bạch đới, đau rang. Liều dùng rễ 15-30g, thân 10-20g, hoặc lá tươi 30-90g. Dùng ngoài liều không đáng kể.

Bài thuốc có lấu

Chữa tiêu chảy: Lá lấu, củ nâu, lá sim, mỗi thứ 10-20g sắc uống

Chữa lỵ, đau bụng sau đẻ: Vỏ cây lấu, vỏ cây vải mỗi thứ 10-20g sắc uống

Chữa chàm, mẩn ngứa, mụn lở chảy nước: Lá lấu một phần nấu nước rửa và một phần tán bột rây mịn rắc.

Chữa lỵ: Rễ lấu 8-16g sắc uống. dùng 3-5 ngày.

Chữa thương hàn: Rễ và lá lấu phơi khô tán thành bột mịn. Ngày uống 2-3g. Ngày 3 lần.

Chữa băng huyết, khí hư, bạch đới: Lá lấu bánh tẻ tươi 16-20g, phối hợp với lá tiết dê, lá huyết dụ, giã nát thêm nước rồi gạn uống.

Chữa cảm mạo, viêm amidan, viêm mọng: Lá lấy tươi 150g sắc chia uống 3-4 lần trong ngày

Trị đòn ngã tổn thương:

  • Rễ lấu, rễ tỏi lào, vỏ cây me, lượng bằng nhau, phơi thật khô, tán nhỏ, rây mịn vào vết thương
  • Lá và ngọn cành lấu, lá khoai lang, mỗi thứ 20g, dùng tươi, rửa sạch, giã nát đắp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top