✴️ Ung thư cổ tử cung

Nội dung

Triệu chứng và những dấu hiệu sớm​

Giai đoạn sớm của ung thư cổ tử cung thường sẽ không có triệu chứng nào cả. Chính vì vậy nên tầm soát ung thư bằng phết tế bào cổ tử cung hay Paps smear (Paps test) định kì.

Paps test là để phòng ngừa. Mục đích của test này không phải là phát hiện ung thư mà giúp phát hiện các thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung có nguy cơ phát triển thành ung thư để sau đó chúng ta thực hiện các khảo sát sâu hơn. Các triệu chứng thường gặp nhất của ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Ra huyết âm đạo giữa chu kì;
  • Ra huyết âm đạo sau khi quan hệ;
  • Ra huyết âm đạo sau khi mãn kinh;
  • Cảm thấy khó chịu khi quan hệ;
  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi;
  • Tiết dịch âm đạo có lẫn máu;
  • Đau vùng chậu.

Những triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm cả nhiễm trùng. Chính vì vậy nếu có những triệu chứng này tốt hơn là bạn nên đi khám bác sĩ.

Giai đoạn

Chẩn đoán giai đoạn ung thư là một trong những bước vô cùng quan trọng, nó quyết định biện pháp điều trị nào là hiệu quả nhất cho bệnh nhân.

Phân giai đoạn với mục đích đánh giá mức độ tiến triển của ung thư, nó đã lan tới đâu, xâm lấn tới những cơ quan nào. Hệ thống phân loại 04 giai đoạn được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá ung thư cổ tử cung:

  • Giai đoạn 0: Hiện diện tế bào tiền ung thư.
  • Giai đoạn 1: Tế bào ung thư phát triển từ bề mặt vào lớp sâu hơn của cổ tử cung, có khả năng vào trong tử cung và những hạch gần đó.
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư vượt khỏi cổ tử cung và tử cung, nhưng không vượt quá thành chậu hoặc phần thấp của âm đạo. Có thể có hoặc không ảnh hưởng tới những hạch gần đó.
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư hiện diện ở phần thấp của âm đạo hoặc thành chậu, có thể xâm lấn niệu quản. Có thể có hoặc không ảnh hưởng tới những hạch gần đó.
  • Giai đoạn 4: Ung thư xâm lấn tới bàng quang hoặc trực tràng và phát triển ra ngoài khung chậu. Có thể có hoặc không ảnh hưởng tới những hạch gần đó. Ở giai đoạn muộn hơn thì nó có thể di căn tới các cơ quan xa chẳng hạn như gan, xương, phổi và hạch bạch huyết.

Thực hiện tầm soát và khám bác sĩ sớm ngay khi có bất kì các triệu chứng nào là biện pháp cơ bản nhất giúp bạn được điều trị sớm và tăng tỉ lệ sống.

Nguyên nhân của ung thư cổ tử cung

Ung thư là kết quả của sự phân chia không kiểm soát của những tế bào bất thường. Gần như mọi tế bào trong cơ thể chúng ta đều có tuổi thọ cố định, và khi chúng chết đi sẽ có những tế bào khác phát triển thế chỗ. Tế bào bất thường có 2 vấn đề sau:

  • Chúng không chết theo chu trình;
  • Chúng tiếp tục phân chia.

Kết quả của sự phân chia quá mức là những tế bào này cuối cùng tạo thành các khối u. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ tại sao những tế bào này phát triển thành ung thư.

Tuy nhiên thì một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung:

  • HPV: đây là một vi rút lây truyền qua đường tình dục. Có hơn 100 loại vi rút HPV nhưng ít nhất là 13 chủng trong số đó gây nên ung thư cổ tử cung.
  • Có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục sớm: việc lây truyền các chủng vi rút HPV nguy cơ cao gây ung thư nếu như có quan hệ tình dục với người mang chủng vi rút HPV này. Phụ nữ có nhiều bạn tình sẽ có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn, và đương nhiên có nguy cơ cao hơn mắc ung thư cổ tử cung.
  • Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, cũng như những ung thư khác.
  • Suy giảm miễn dịch: nguy cơ ung thư cổ tử cung là cao hơn ở bệnh nhân có nhiễm HIV hoặc AIDS, những ai có ghép tạng (được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để tránh thải ghép).
  • Sử dụng thuốc ngừa thai: sử dụng kéo dài vài loại thuốc ngừa thai có tăng nguy cơ nhẹ qua một số ít các nghiên cứu.
  • Bệnh lý lây truyền qua tình dục: Chlamydia, lậu và giang mai làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.
  • Điều kiện kinh tế xã hội: tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn ở khu vực có dân trí và thu nhập thấp.

phòng ngừa ung thư cổ tử cung

 

Xem tiếp: Điều trị ung thư cổ tử cung

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top