Rối loạn chức năng tình dục ở bệnh nhân đái tháo đường

1. Tổng quan

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu kéo dài do thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cả cấp tính và mạn tính, trong đó có rối loạn chức năng sinh dục nam, đặc biệt là rối loạn cương dương (erectile dysfunction – ED). Đây là một biến chứng thường gặp nhưng ít được người bệnh chia sẻ, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của bệnh nhân.

 

2. Cơ chế bệnh sinh

Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới mắc ĐTĐ là hậu quả của nhiều cơ chế bệnh lý phối hợp:

  • Tổn thương vi mạchgiảm tưới máu dương vật do xơ vữa động mạch
  • Tổn thương thần kinh tự chủ và cảm giác (bệnh lý thần kinh do ĐTĐ)
  • Rối loạn nội tiết: giảm testosterone máu, ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và khả năng cương
  • Tăng stress oxy hóa, rối loạn chức năng nội mô, giảm sản sinh nitric oxide – yếu tố quan trọng để giãn mạch và cương dương
  • Ảnh hưởng tâm lý: lo âu, trầm cảm, mặc cảm bệnh tật, ảnh hưởng mối quan hệ vợ chồng
  •  

3. Hướng tiếp cận và điều trị

a. Kiểm soát tốt bệnh lý nền

  • Mục tiêu đầu tiên trong quản lý rối loạn chức năng tình dục ở bệnh nhân ĐTĐ là kiểm soát đường huyết hiệu quả.

  • Cần phối hợp giữa điều trị nội khoa (insulin, thuốc hạ đường huyết) và can thiệp lối sống: ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, giảm cân (nếu béo phì), ngưng hút thuốc và hạn chế rượu.

  • Vận động thể chất thường xuyên có thể cải thiện độ nhạy insulin và hỗ trợ chức năng nội mạc mạch máu, giúp phục hồi một phần chức năng tình dục.

b. Tư vấn tâm lý – giáo dục sức khỏe

  • Bệnh nhân cần được tư vấn đầy đủ để hiểu đúng bản chất biến chứng rối loạn tình dục, giảm mặc cảm và tránh đổ lỗi cho bản thân.

  • Cần sự hỗ trợ từ bạn đời và các nhà chuyên môn tâm lý, đặc biệt khi có biểu hiện trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

c. Điều trị chuyên biệt

  • Nếu can thiệp lối sống và kiểm soát đường huyết không cải thiện triệu chứng, có thể cân nhắc sử dụng:

    • Thuốc ức chế phosphodiesterase type 5 (PDE5i): như sildenafil, tadalafil. Thuốc có hiệu quả ở đa số bệnh nhân ĐTĐ nhưng cần được kê đơn sau khi đánh giá đầy đủ về tim mạch.

    • Liệu pháp hormone thay thế: nếu phát hiện thiếu hụt testosterone, có thể cân nhắc bổ sung theo chỉ định chuyên khoa.

    • Biện pháp khác: thiết bị hút chân không, tiêm trực tiếp dương vật, hoặc phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo trong những trường hợp kháng trị.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc PDE5i không được khuyến cáo là giải pháp đầu tay. Cần ưu tiên các biện pháp điều chỉnh hành vi và điều trị nguyên nhân trước khi sử dụng thuốc.

 

4. Kết luận

Rối loạn chức năng tình dục, đặc biệt là rối loạn cương dương, là biến chứng thường gặp nhưng có thể can thiệp hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị sớm. Việc kiểm soát tốt đường huyết, cải thiện thể chất – tâm lý và áp dụng các liệu pháp chuyên biệt sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Sự phối hợp giữa bệnh nhân, bác sĩ nội tiết, bác sĩ nam khoa và tâm lý là yếu tố then chốt để quản lý toàn diện biến chứng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top