Sởi là một bệnh nhiễm trùng do virus sởi, lây qua đường hô hấp và có mức độ lây lan rất cao. Virus sởi sẽ có trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus cũng có thể tồn tại khoảng 2 tiếng ở những đồ vật mà người bệnh chạm vào. Trong số những người chưa được tiêm phòng sởi, thì 90% sẽ nhiễm virus sởi nếu quanh họ có người nhiễm bệnh. Bệnh sởi nguy hiểm vì nó có thể gây viêm phổi, phù não và tử vong. Trước khi vaccine phòng sởi ra đời, tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 3-4 triệu người mắc bệnh sởi, 48.000 trường hợp nhập viện và 400-500 trường hợp tử vong vì bệnh sởi.
Tại Việt Nam, vaccin phòng Sởi đã được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ 30 năm nay, tạo được miễn dịch cộng đồng khá lớn. Tuy nhiên trong một vài năm gần đây, nguy cơ bệnh sởi quay trở lại và điển hình là vụ dịch sởi năm 2014 đã đăt ra những thách thức mới. Do vậy, hiện nay, vaccin kết hợp sởi - rubella đã được tiêm chủng mũi thứ 2 cho toàn bộ trẻ dưới 18 tuổi.
Ho gà cũng là một nhiễm trùng ở phổi khiến người bệnh khó thở do những cơn ho nghiêm trọng, nghe giống như tiếng gà. Mọi người có thể hít phải vi khuẩn ho gà khi người bị bệnh ho gà ho hoặc hắt hơi. Ho gà là một bệnh có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là với trẻ em dưới 1 tuổi. Ho gà có thể dẫn đến viêm phổi, co giật, thở chậm hoặc ngừng thở.
Vaccin ho gà được sử dụng tại Việt Nam trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, nằm trong thành phần của Vaccin 5 trong 1 Quinvaxem. Một số loại vaccin kết hợp khác cũng có thành phần vaccin ho gà.
Cúm là tình trạng nhiễm virus ở mũi, phổi và cổ họng. Khi người bị bệnh cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn từ nước bọt của họ có thể bay xa khoảng 1,8m. Mọi người sẽ nhiễm virus cúm bay trong không khí do chạm vào đồ vật của người nhiễm cúm, sau đó chạm vào mũi, họng của bản thân mình. Khoảng 49.000 người Mỹ tử vong vì cúm mỗi năm. Bệnh cúm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh hen suyễn và tiểu đường.
Vaccin cúm mùa hàng năm được khuyến cáo tiêm trước mùa dịch, tức là khoảng tháng 8-10 hàng năm.
Bại liệt là một loại bệnh do virus gây ra. Virus bại liệt sống trong đường ruột. Bạn có thể bị nhiễm bệnh do có tiếp xúc với phân của người bệnh. Đa số những người nhiễm virus bại liệt sẽ không biểu hiện triệu chứng hoặc có các triệu chứng giống nhiễm cúm kéo dài trong vài ngày. Trong thế kỷ 20, bại liệt đã từng là một trong những căn bệnh đáng sợ và nguy hiểm nhất.
Tuy nhiên, nhờ sự ra đời của vaccine bại liệt, số ca tử vong vì bệnh bại liệt đã giảm đi đáng kể, nhưng vẫn chưa giảm đều trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã thanh toán bệnh bại liệt, nhưng một số quốc gia khác vẫn đang trong quá trình tiến tới mục tiêu này. Trước đây, tại Việt Nam, vaccin bại liệt được sử dụng bằng đường uống trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ tháng 6/2016, vaccin bại liệt sẽ được sử dụng bằng đường tiêm.
Bệnh do phế cầu khuẩn là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra nhiều loại bệnh, bao gồm viêm phổi, viêm tai, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não. Bạn sẽ bị nhiễm bệnh nếu có tiếm xúc với chất nhầy hoặc nước bọt của người bệnh. Biến chứng của những bệnh do phế cầu khuẩn gây ra rất nguy hiểm và có thể tử vong. Ví dụ như viêm phổi thường gây tử vong cho những người trên 65 tuổi. Nếu phế cầu khuẩn xâm nhập vào màng não hoặc máu, thì đó là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện tại, ở Việt Nam, vaccin phế cầu khuẩn được khuyến cáo tiêm cho trẻ khoảng 2 tuổi và người già trên 65 tuổi.
Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn gây khít hàm, dẫn đến các vấn đề về thở, co rút cơ, liệt và tử vong. Vi khuẩn uốn ván có trong đất, bụi và phân bón. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể người thông qua các vết thương hoặc vết loét hở. 10-20% số trường hợp uốn ván sẽ bị nguy hiểm tới tính mạng. Nguy cơ tử vong sẽ cao hơn ở những người trên 65 tuổi hoặc những người bị bệnh tiểu đường.
Hiện tại có 1 số loại vaccin phòng uốn ván. Tại Việt Nam, phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm đủ liều vaccin uốn ván trong khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ và kết thúc mũi tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn có thể gây viêm màng não – tình trạng nhiễm trùng và sưng ở não và cột sống. Não mô cầu cũng có thể xâm nhập vào máu. Vi khuẩn não mô cầu thường sống ở phía sau mũi và họng của người bị nhiễm khuẩn và lây lan sang những người khác thông qua việc hôn hoặc đơn thuần chỉ là sống chung với người bệnh.
Triệu chứng phổ biến là sốt bất ngờ, đau đầu và cứng cổ. Được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt là điều tối quan trọng. Kể cả được chẩn đoán và điều trị kháng sinh đúng, vẫn có khoảng 15% trong số đó sẽ tử vong.
Ở Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, trước kia có thể gây thành dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ xuất hiện rải rác trong năm.
Tiêm phòng vaccin Viêm màng não do não mô cầu là biện pháp dự phòng bệnh tốt nhất hiện nay
Ở Việt Nam, có 02 loại Vắc xin phòng bệnh Viêm Màng não do Não mô cầu sau đây:
Vắc-xin não mô cầu AC
Tên thương mại là Meningococcal polysaccharide vắc-xin AC, có thời gian bảo vệ khoảng 3 năm.
Vắc-xin phòng bệnh não mô cầu được sử dụng để tiêm phòng bệnh cho trẻ em ở vùng có dịch bệnh lưu hành hoặc khi đang có dịch bùng phát. Liều lượng tiêm là 0,5ml; có thể tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Thường tiêm một liều vắc-xin khi trẻ em được 18 tháng tuổi trở lên. Chú ý thận trọng khi tiêm phòng cho phụ nữ có thai, chỉ tiêm khi thực sự có nguy cơ mắc bệnh trong các vụ dịch. Một vấn đề cũng cần quan tâm là không nên tiêm cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi trừ khi đang có dịch bùng phát.
Vắc-xin não mô cầu BC
Tên thương mại là VA-MENGOC-BC. Vắc-xin này được sử dụng nhằm tạo miễn dịch chủ động để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh B và C, dùng tiêm cho trẻ em từ tháng tuổi thứ ba và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải đi đến vùng dịch bệnh. Ngoài ra, vắc-xin cũng nên tiêm cho những người sống tập thể như các trung tâm chăm sóc trẻ em nội trú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc ở cộng đồng phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh não mô cầu nhóm huyết thanh B và C vì người dân ở đây có nguy cơ bị phơi nhiễm.
Vắc-xin cơ bản được sử dụng bằng cách tiêm phòng hai liều 0,5ml; khoảng cách giữa hai lần tiêm là từ 6 - 8 tuần. Tiêm liều thứ hai là điều bắt buộc để đạt được mức bảo vệ tốt. Quy định tiêm phòng được áp dụng đối với trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên
Viêm gan B là bệnh ở gan do virus viêm gan B gây ra. Những người bị viêm gan B sẽ có virus viêm gan trong máu và trong dịch cơ thể. Người trưởng thành thường lây truyền virus viêm gan B thông qua hành vi quan hệ tình dục hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Phụ nữ mang thai có thể truyền virus viêm gan B cho em bé trong bụng. Viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao hơn 100 lần so với HIV. Virus viêm gan B có thể gây ung thư gan và các bệnh về gan kéo dài khác, có thể dẫn đến tử vong.
Vaccin Viêm gan B đã được tiêm chủng tại Việt Nam trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ mới sinh. Đối với các đối tượng khác, nên chủ động xét nghiệm và tiêm Vaccin Viêm gan B thích hợp.
Quai bị là bệnh gây ra do virus, gây sưng tuyến nước bọt, sốt, đau đầu và đau cơ. Virus cũng có thể khiến bạn mệt mỏi và chán ăn. Bạn nhiễm virus quai bị do hít phải virus có trong không khí do người bệnh ho hoặc hắt hơi. Quai bị có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe kéo dài, bao gồm viêm màng não và điếc. Nhờ có vaccine MMR, bệnh quai bị ngày nay đã ít gặp hơn. Nhưng đôi khi, những đợt dịch nhỏ vẫn có thể bùng phát, thường là ở những nơi có nhiều người sống chung, ví dụ như ký túc xá.
Tại Việt Nam, bạn có thể chủ động tiêm vaccine MMR cho trẻ tại các phòng tiêm chủng.
Hib là một bệnh nhiễm khuẩn có thể gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm xương hoặc viêm khớp. Một số người có vi khuẩn Hib trong niêm mạc mũi, họng nhưng sẽ không biểu hiện triệu chứng bệnh. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn sẽ bay trong không khí. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao vì hệ miễn dịch của trẻ còn rất non yếu. Trước khi vaccine phòng Hib ra đời, khoảng 20.000 trẻ em Mỹ dưới 5 tuổi mắc Hib mỗi năm, trong số đó, 3-6% sẽ tử vong.
Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam đã đưa vaccine phòng Hib trong mũi tiêm Quinvexem cho trẻ em.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh