Hợp chất curcumin được tìm thấy trong củ nghệ, mang lại màu vàng cho nghệ. Curcumin có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra rằng dùng curcumin có thể điều trị hiệu quả bệnh về da.
Điển hình là nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nutrients năm 2019 chỉ ra chất curcumin hỗ trợ điều trị một số loại viêm da, bệnh vảy nến và chữa lành vết thương một cách tự nhiên và an toàn.
Vitamin D giúp giảm viêm và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Một đánh giá từ năm 2021 trên International Journal of Molecular Sciences chỉ ra rằng tác dụng này khiến vitamin D trở thành thành phần quan trọng giúp làn da lão hóa khỏe mạnh. Cụ thể hơn, vitamin D giúp duy trì cân bằng nội môi của da, ức chế phản ứng viêm xảy ra do lão hóa và tiếp xúc liên tục với các yếu tố môi trường.
Ngoài ra, các chất chuyển hóa vitamin D3 kích hoạt có thể bảo vệ da chống lại tác động nguy hiểm của các tác nhân gây lão hóa da như bức xạ tia cực tím, chất ô nhiễm và nhiễm khuẩn.
Vitamin D có nhiều trong các thực phẩm như cá béo, trứng, nấm tiếp xúc với tia UV, sản phẩm từ sữa tăng cường.
Probiotic tham gia nuôi dưỡng hàng nghìn tỷ vi sinh vật sống trong đường ruột và có ảnh hưởng đáng kể đến làn da. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Nutrients cho thấy, probiotic đặc biệt có lợi cho sức khỏe làn da và hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, bệnh vảy nến, chữa lành vết thương và nhiều vấn đề da liễu khác.
Probiotic cũng đã được chứng minh là làm giảm sự mất nước qua da và tăng nồng độ acid béo ceramide trong tế bào da, tăng cường hydrat hóa và có khả năng giảm khô da.
Một nghiên cứu khác năm 2022 cũng trên tạp chí Nutrients nhấn mạnh, probiotic có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng giống bệnh vảy nến như đỏ da, đóng vảy và dày da. Các thực phẩm giàu probiotic bạn nên ăn như sữa chua, kim chi, nấm sữa kefir, dưa cải bắp.
Omega-3 giúp duy trì hàng rào lipid của da, giữ cho da ngậm nước và căng mọng. Acid béo này cũng chứa các đặc tính chống viêm có thể giúp điều trị một số tình trạng viêm da.
Một nghiên cứu năm 2015 được đăng trên Journal of Dermatological Science đã dùng thực phẩm bổ sung dầu cá cho những người tham gia mắc viêm da dị ứng.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng độ ẩm của da tăng 30% sau 60 ngày bổ sung, người tham gia cũng không còn gãi nhiều do ngứa.
Ngoài ra, omega-3 còn có lợi trong điều trị bệnh vẩy nến, loét da cũng như cải thiện tình trạng mụn trứng cá. Omega-3 thường có nhiều trong các loại cá béo (như cá hồi, cá ngừ), hạt lanh, hạt chia, quả óc chó và hạt macca.
Hệ vi sinh đường ruột và sức khỏe làn da có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chất xơ hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh bằng cách đa dạng hóa và nuôi dưỡng lợi khuẩn trong ruột, nhờ đó gián tiếp tác động đến làn da.
Chất xơ còn có tác dụng tạo ra acid béo chuỗi ngắn khi nó di chuyển qua ruột, đặc biệt là butyrate. Các acid béo chuỗi ngắn này giúp duy trì hàng rào bảo vệ da bằng cách hỗ trợ quá trình chuyển hóa của tế bào sừng (là tế bào chính chiếm 90% của lớp biểu bì được hình thành do quá trình phân chia tế bào ở tầng dưới của lớp biểu bì).
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm dị ứng da nhờ củng cố hàng rào bảo vệ da.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh