Thời tiết nồm ẩm, sáng ra hay có mưa phùn, chiều tối lại chuyển lạnh, không khí ẩm ướt đã khiến nhiều người bị bệnh da liễu, nhiều trường hợp đến khám ở bệnh viện da liễu do dị ứng thời tiết, viêm da, nấm da do mặc quần áo ẩm ướt…
Bên cạnh yếu tố thuận lợi của thời tiết, chế độ sinh hoạt không khoa học của nhiều người trong thời tiết nồm ẩm cũng tạo điều kiện để nấm da phát triển như vệ sinh không sạch dẫn tới nấm vùng kín, nấm da ở những khu vực hay ra mồ hôi như kẽ chân, kẽ tay, vùng kín…
Những ngày thời tiết nồm ẩm, da thường tiết nhiều dầu hơn, trong khi đó mồ hôi lại không thoát ra được. Chất bẩn tích tụ, bám dễ dàng hơn trên da, mặc quần áo chật chội cùng với nhiệt độ từ 27 - 35 độ C cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Nấm sẽ phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 27 – 35 độ C. Tỷ lệ mắc bệnh nấm ngoài da chiếm khoảng 27,3%, căn nguyên gây bệnh thường gặp ở 3 chủng: Epidermophyton, Trichophyton và Microsporum. Các chủng nấm này phát triển thuận lợi ở môi trường nóng ẩm, có nhiều chất dinh dưỡng, trong cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch.
Ở những nơi có chất sừng như da, tóc, móng… nấm thường gây bệnh. Các bệnh nấm hay gặp là nấm tóc, nấm móng tay, chân; lang ben….
Người bệnh khi bị nấm da sẽ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Trên da thường xuất hiện các tổn thương như đám tròn đỏ, vùng da không đều màu, ranh giới rõ, bờ đa cung, có thể có mụn nước nhỏ ở bờ viền. Khi chà xát, gãi nhiều hoặc người bệnh dùng các loại thuốc không thích hợp như bôi corticoid, bôi acid... sẽ khiến những tổn thương bị viêm trợt, chảy dịch, có khi có mủ, không còn rõ bờ viền.
Căn bệnh da liễu khi trời nồm ẩm cao dễ mắc này nếu chủ quan dẫn tới biến chứng khó lường. Hậu quả thường thấy khi bị nấm da là người bệnh khó chịu, ngứa rát, đau nhức. Càng ngứa, người bệnh càng gãi nhiều làm lây lan mầm bệnh, đồng thời làm nhiễm trùng da gây mưng mủ, lở loét… ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi bệnh trở nên nặng hơn do không được điều trị, hoặc điều trị không đúng cách, tổn thương da càng nặng nề. Tình trạng này kéo dài khiến vùng da trở nên sần sùi, biến dạng, gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
Theo các chuyên gia da liễu, nếu nấm da nặng ăn sâu vào máu và xâm nhập vào các cơ quan sẽ gây ra nhiều rối loạn cho cơ thể. Nếu bệnh nấm da ở các vùng dây thần kinh hay mắt, mặt sẽ rất nguy hiểm. Ảnh hưởng của những vùng này có thể tác động đến dây thần kinh, gây đau mặt và hai vùng thái dương...
Nguy hại là nấm da còn dễ lây lan. Bệnh nấm da rất dễ lây cho các vị trí khác trên cơ thể của bản thân và lây sang cho người khác. Nấm xâm nhập vào người theo 3 con đường: Từ người sang người, từ động vật sang người và từ đất sang người hoặc sang động vật. Bởi vậy, khi trong nhà có người bị nhiễm nấm nếu không chú ý vệ sinh, dùng chung đồ cá nhân, nằm chung giường… nguy cơ cao bị lây.
Ngoài ra, bệnh có thể tái lại nếu như không điều trị dứt điểm. Những lần tái phát sau còn nặng hơn lần trước gây rất nhiều khó khăn trong việc điều trị. Do đó khi thấy những dấu hiệu của bệnh như trên cần đến các chuyên gia da liễu để điều trị kịp thời.
Để điều trị bệnh nấm da thường sẽ dùng các loại thuốc bôi chống nấm như: dung dịch BSI, ASA, Ketoconazole, clotrimazole miconazole, terbinafine... Với nấm da điều trị 3 - 4 tuần, còn nấm móng 3-6 tháng. Trong trường hợp người bệnh dùng thuốc bôi không đáp ứng sẽ cần dùng thêm bổ sung thuốc kháng nấm đường uống.
Nhiều người bệnh khi mắc bệnh da liễu thường tự ý mua thuốc bôi. Điều này rất nguy hiểm. Nếu bị nấm dùng các thuốc trị nấm da phối hợp corticoid có thể gây tác dụng phụ như teo da, rạn da, và tạo cơ hội nấm phát triển nhiều hơn. Do đó, người bệnh nên đi khám để biết được đúng nguyên nhân, dùng thuốc đúng.
Trong thời tiết hiện nay, mọi người cần luu ý trong sinh hoạt để tránh mắc các bệnh da liễu:
- Mọi người cần tránh mặc đồ quần áo ẩm ướt, đồ lót quá chật để da không bị 'bí bách'. Vào những ngày trời nồm ẩm, có thể dùng bàn là, máy sấy để đảm bảo quần áo được khô hoàn toàn trước khi mặc.
- Diệt nấm trên quần áo, vật dụng cá nhân, chăn gối… thường xuyên bằng cách vệ sinh, ngâm giặt bằng nước nóng, phơi mặt trái dưới ánh nắng mặt trời trước khi sử dụng.
- Các kẽ ngón tay chân thường xuyên lau khô. Mọi người tránh để những kẽ tay, chân đổ mồ hôi nhiều, ứ đọng nước, nhất là những người thường xuyên làm công việc nội trợ, chế biến thực phẩm.
- Không mặc chung quần áo lót. Với người bệnh, quần áo nên giặt nước nóng, lộn trái, phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc trước khi mặc nên dùng bàn là làm nóng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh