Khi thời tiết thay đổi, các yếu tố như áp suất khí quyển, nhiệt độ, độ ẩm không khí, sức gió cũng thay đổi, tác động đến dung môi, áp lực dòng máu và độ đặc của máu trong cơ thể. Khi đó, cơ thể sẽ tự điều chỉnh để phản ứng lại với sự thay đổi của bên ngoài. Tuy nhiên, ở người mắc các bệnh lý về cơ xương khớp, khả năng đáp ứng với sự thay đổi của môi trường thường kém và chậm hơn, điều này làm cho những cơn đau nhức xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là lý do vì sao người bệnh cơ xương khớp, nhất là người cao tuổi cảm thấy đau nhiều hơn khi trời chuyển lạnh.
Những cơn đau nhức thường gặp nhất là ở khớp vai gáy, đầu gối và bàn tay. Nếu không được quan tâm, cải thiện kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành các cơn đau đầu gối, đau thắt lưng và đau vai mạn tính.
Giữ ấm cơ thể
Khi trời lạnh, người bệnh nên mặc ấm, sử dụng găng tay, tất để giữ ấm tay chân dù ở trong nhà hay ngoài trời giúp bảo vệ xương khớp hạn chế bị ảnh đúng bởi thời tiết.
Tắm nước ấm
Bạn nên tắm bằng nước ấm, ngâm chân với nước ấm để thư giãn các khớp và giảm đau. Trong trường hợp cơn đau bùng phát, hoặc tê cứng khớp, bạn có thể chườm nóng 15-20 phút và xoa bóp, co duỗi khớp nhẹ nhàng. Lưu ý, nếu đau cứng khớp kèm theo các triệu chứng sưng, đỏ và nóng thì không chườm nóng mà cần đi khám bác sỹ.
Dinh dưỡng lành mạnh
Bạn nên tăng cường các loại thực phẩm giàu calci, vitamin A, C, D, omega 3 và chất xơ giúp kiểm soát và giảm đau nhức xương khớp. Các loại thực phẩm nên ưu tiên gồm các loại cá béo (như cá hồi, cá thu, cá mòi), rau lá xanh, trái cây, các loại hạt.
Thử một số loại trà thảo mộc như trà gừng, trà xanh, trà đen vừa làm ấm vừa thư giãn cơ thể. Ngoài ra, duy trì uống đủ nước mỗi ngày, bạn nên uống nước ấm khi trời lạnh.
Vận động hợp lý
Khi các khớp xương bị đau nhức, người cao tuổi thường có tâm lý ngại hoặc sợ vận động. Theo các chuyên gia, điều này là một sai lầm vì sẽ khiến cơn đau không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng thêm vì sẽ gây tê cứng khớp xương, khó duỗi gập như bình thường.
Người cao tuổi nên coi trọng vận động toàn diện như đi bộ (phù hợp với người thoái hóa khớp nhẹ), đạp xe, tập thái cực quyền, yoga, khiêu vũ… Dù tập bất cứ hình thức nào cũng không nên tập quá lâu gây mất sức và tác động tiêu cực đến hệ xương khớp.
Lưu ý: Trong trường hợp khớp bị sưng đau, cần tạm ngừng tập. Có thể chườm nóng và nghỉ ngơi, chờ khỏi, đỡ sưng đau hãy tập lại bộ phận đó. Bạn không nên ngừng hẳn quá trình tập luyện mà nên tập những động tác khác ở những bộ phận khác không bị đau.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh