✴️ Cách nhận biết bệnh viêm đau khớp háng và phương pháp điều trị

Viêm đau khớp háng là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau nhức khó chịu ở háng, thậm chí toàn cơ thể. Việc nhận biết bệnh viêm đau khớp háng kịp thời sẽ giúp bạn có biện pháp điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, khớp háng là khớp quan trọng trong cơ thể, có vai trò kết nối giữa phần thân trên và thân dưới, đồng thời gánh đỡ 1 phần trọng lượng cơ thể. Khi khớp háng bị viêm, người bệnh sẽ bị hạn chế vận động, đi lại và luôn ở trong tình trạng khó chịu, đau đớn.

 

Cách nhận biết viêm đau khớp háng

Viêm khớp háng được chia thành 3 giai đoạn. Tùy từng giai đoạn bệnh cụ thể sẽ có các dấu hiệu đặc trưng riêng.

Giai đoạn sớm

Ở giai đoạn sớm, tình trạng viêm khớp háng chưa có biểu hiện rõ nét. Lúc này người bệnh có thể cảm nhận được những cơn đau nhưng ở mức độ nhẹ, âm ỉ với cường độ ít.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể thấy:

Tê mỏi, khó co duỗi tại bẹn và chân.

Khó cử động chân, di chuyển đi lại.

Cơn đau nhiều khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Đi khập khiễng.

Khi bị viêm khớp háng, người bệnh thường gặp phải triệu chứng đau nhức ở khớp háng, cứng khớp, khó vận động

 

Giai đoạn tiến triển

Khi bước sang giai đoạn tiến triển, các dấu hiệu bệnh nặng dần lên:

Đau dữ dội vào buổi sáng và giảm vào chiều tối.

Đau mạnh khi thời tiết thay đổi.

Đau khớp háng khi vận động, thay đổi tư thế.

Khó khăn khi di chuyển, đi đứng…

Giai đoạn muộn

Ở giai đoạn này, các triệu chứng viêm khớp háng nghiêm trọng nhất, khiến người bệnh đau không thể chịu được.

Cơn đau khớp háng diễn ra thường xuyên và liên tục.

Đau dữ dội vào các thời điểm trong ngày.

Khớp khô cứng, khó vận động.

Cơ bắp quanh háng bị teo nhỏ, khó gập người, xoay người.

Đau không thể ngủ được.

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng viêm đau khớp háng, người bệnh không nên chủ quan. Tốt nhất, người bệnh nên tới các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín có chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Chẩn đoán viêm khớp háng và cách điều trị

Để chẩn đoán viêm khớp háng, ngoài thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như:

Chụp X-quang: giúp xác định vị trí khớp háng bị viêm

Chụp CT/ MRI: giúp đánh giá mức độ viêm khớp háng và các tổn thương ở khu vực lân cận (nếu có)

Tùy vào mức độ viêm khớp háng và tình trạng nặng – nhẹ, độ tuổi, cơ địa của từng người. Bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Hiện nay, có 2 phương pháp thường được sử dụng để điều trị viêm khớp háng:

Điều trị nội khoa

Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid như: aspirin, ibuprofen, naproxen…để cải thiện tình trạng bệnh. Lưu ý, người bệnh cần tuân thủ theo đúng đơn thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý lạm dụng thuốc hoặc dùng sai thuốc có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, khiến bệnh nặng hơn.

Phẫu thuật

Thường được chỉ định khi tình trạng viêm khớp háng tiến triển quá nặng hoặc không đáp ứng thuốc. Đây là phẫu thuật đòi hỏi trình độ cao, tay nghề giỏi với trang thiết bị y tế đảm bảo nên người bệnh cần tới các bệnh viện uy tín.

Sau phẫu thuật người bệnh có thể gặp phải một vài di chứng nhỏ như viêm nhiễm vết mổ, thời gian đau sau mổ kéo dài…. Vì thế để hạn chế tối đa di chứng để lại, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi, ăn uống sau phẫu thuật.

Viêm khớp háng khiến người bệnh đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống, khả năng vận động, sinh hoạt. Vì thế, khi có những triệu chứng viêm đau khớp háng, người bệnh cần đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top