Đối với nhiều người, mắc bệnh viêm khớp đồng nghĩa với sự sưng đau các khớp xương, cứng khớp và đau đớn thường xuyên. Căn bệnh này có thể khiến nhiều người cảm thấy suy sụp, nhất là trẻ em khi bị mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên.
Tuy sưng đau là các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm khớp, điều này không có nghĩa là chúng không có cách kiểm soát. Có nhiều cách để kiểm soát cơn đau trong bệnh tật hay ít ra là ngăn không cho chúng trở nên quá trầm trọng. Các phương pháp phổ biến nhất bao gồm điều trị bằng thuốc, tăng cường vận động, massage (xoa bóp) và liệu pháp tâm lý.
Thuốc giảm đau có nhiều loại với nhiều hoạt lực khác nhau. Các cơn đau từ nhẹ đến trung bình có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau thuộc nhóm không opiod như paracetamol và các NSAIDs khác như ibuprofen.
Đối với các cơn đau nặng cần phải điều trị bằng các thuốc giảm đau mạnh như thuốc giảm đau nhóm opioid như codeine, hoặc thậm chí trong những cơn đau đớn trầm trọng cần thiết phải sử dụng đến cả morphine.
Các bác sỹ đôi khi cũng sử dụng loại thuốc gây tê tại chỗ như các loại kem bôi ngoài da hay tiêm thuốc tê để làm giảm đau.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau tại nhà
- Luôn sử dụng thuốc theo liều được kê bởi bác sỹ hoặc ghi trên nhãn thuốc.
- Nên cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau ngay khi cần thiết, sẽ dễ dàng hơn khi kiểm soát các cơn đau ở mức độ nhẹ và khi được điều trị thường xuyên.
- Luôn cung cấp cho bác sỹ các thông tin về các loại thuốc mà trẻ sử dụng (bao gồm cả các loại thảo dược). Điều này sẽ giúp các bác sỹ nắm được loại thuốc nào thực sự có hiệu quả trong giảm đau đồng thời hạn chế các tác dụng phụ và các phản ứng bất lợi của tương tác thuốc.
Vận động cơ thể có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tiến triển nặng của cơn đau. Các bài tập luyện thể dục giúp tăng khối cơ và duy trì mức cân nặng hợp lý, cả hai yếu tố này sẽ giúp các khớp xương đặc biệt là khớp gối ít phải chịu áp lực cao. Ngoài ra, việc tập luyện còn làm tăng giải phóng endorphin là một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể chỉ định các bài tập giãn cơ và chuyển động phù hợp cho khớp xương hay khuyến cáo những môn thể thao mà trẻ em yêu thích như bơi lội, đi bộ. Bất kể là bài tập luyện nào thì trẻ cũng nên thực hiện một cách thường xuyên kể cả khi không bị đau. Tập luyện thường xuyên sẽ giúp trẻ giảm đau được nhiều hơn, nhưng cũng không nên để trẻ tập luyện đến mức kiệt sức. Các bài tập nên được thực hiện theo đúng lứa tuổi của trẻ.
Xoa bóp (massage) cũng là một biện pháp khác giúp làm dịu cơn đau và giảm sưng khớp. Chà xát lên khớp xương có thể ngăn chặn các tín hiệu gây đau truyền tới não bộ và giảm tình trạng cứng khớp.
Tương tự, chườm nóng và chườm lạnh cũng giúp làm dịu các khớp và cơ. Chườm nóng như dùng các bình nước nóng, gel chườm nóng hay việc tắm nước nóng làm giảm hiện tượng cứng khớp. Mặt khác, chườm lạnh lại làm giảm đau bằng cách làm tê liệt các đầu dây thần kinh nhận cảm giác. Các loại gel hay kem có chứa menthol, các túi gel chườm lạnh hay dùng đá lạnh bọc trong khăn bông cũng giúp giảm đau rất hiệu quả khi con bạn cảm thấy quá đau đớn.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng: hãy giúp trẻ suy nghĩ rằng có thể kiểm soát tốt cơn đau để không làm ảnh hưởng đến những hoạt động thường ngày. Đây là một phương pháp tâm lý khá hiệu quả để kiểm soát cơn đau mãn tính, hạn chế tối đa ảnh hưởng của đau đớn đến các hoạt động hằng ngày của trẻ.
Một biện pháp rất hiệu quả là cách làm trẻ xao lãng và quên đi cơn đau, nhất là với cơn đau nhẹ và thường gặp. Phương pháp này dựa trên một nguyên tắc đơn giản là khi trẻ tập trung vào một việc gì đó khiến trẻ thấy hấp dẫn và thú vị thì chúng sẽ tạm thời quên đi những cơn đau đang hành hạ.
Đọc sách, kể chuyện hay chơi trò chơi điện tử điều là những cách rất hữu hiệu để làm trẻ quên đi những triệu chứng đau. Trẻ có thể học cách quên đi cơn đau bằng cách thực hành liệu pháp tưởng tượng ra những cảnh đẹp hay nhớ lại những ký ức tuyệt vời – càng tưởng tượng nhiều về âm thanh và mùi hương, trẻ càng dễ quên đi cơn đau đớn.
Những biện pháp hiệu quả khác bao gồm thư giãn bằng cách co duỗi cơ khớp và ngồi thiền. Chúng rất có ích trong việc giúp trẻ tập trung vào việc trẻ đang làm hơn là chỉ nghĩ về cơn đau và sự lo lắng cho bệnh tật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh