Các triệu chứng thường gặp nhất của gãy ngón chân là đau và đi lại khó khăn.
Mức độ của các triệu chứng thì tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Một số bệnh nhân vẫn còn có thể tiếp tục đi lại với ngón chân gãy nhưng số khác thì cảm thấy cơn đau làm mình yếu hẳn đi.
Các yếu tố làm ảnh hưởng đến các triệu chứng của gãy ngón chân bao gồm:
Mức độ nặng của vết gãy
Xương bị gãy có bị di lệch khỏi vị trí ban đầu hay không
Cơ chế gãy
Vị trí gãy, bao gồm cả vị trí gần khớp
Các bệnh lý đi kèm khác như gout hoặc viêm khớp.
Ngón chân có thể bị gãy theo vài cách khác nhau, bao gồm: do áp lực, té ngã hoặc làm rớt đồ vật lên bàn chân.
Bởi vì các triệu chứng rất đa dạng và gãy có thể có mức độ từ nhẹ đến nặng, việc phân biệt gãy ngón chân với các chấn thương khác như căng cơ hay bầm có thể cũng rất khó.
Các triệu chứng của từng dạng gãy:
Các tai nạn nặng và gây đau nhiều như té ngã, va chạm mạnh ở ngón chân hoặc làm rơi vật nặng xuống ngón chân có thể gây gãy ngón chân. Các dạng gãy loại này được gọi là gãy do chấn thương, thường gặp ở các vận động viên.
Gãy do chấn thương có thể từ nhẹ đến nặng. Đôi khi có thể ngay thấy tiếng xương gãy nhưng không phải lúc nào cũng nghe thấy.
Triệu chứng gãy xương do chấn thương thường xuất hiện ngay sau khi gặp tai nạn, bao gồm:
Cơn đau không giảm đi sau khi nghỉ ngơi
Đau nhói
Bầm
Sưng
Đỏ
Nhiều trường hợp gãy xương do chấn thương sẽ có vết bầm rất rõ với màu tím đậm, xám hay đen.
Các triệu chứng này có thể sẽ kéo dài một vài tuần nếu như bệnh nhân không đi khám và điều trị sớm.
Gãy xương do áp lực thường là các đường nứt nhỏ xuất hiện trên xương do bị áp lực tác động lên nhiều lần. Đây là một dạng chấn thương do quá sức và thường xảy ra ở xương chân và bàn chân.
Gãy xương do áp lực có thể xảy ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi bắt đầu tập luyện một hoạt động thể thao hay vận động thể lực có tác động gây áp lực lên xương như chạy.
Một nghiên cứu năm 2021 giải thích rằng, gãy xương do áp lực xảy ra khi các cơ tại ngón chân trở nên quá yếu để có thể chịu được lực tác động trực tiếp lên chúng. Khi không còn được sự trợ giúp của cơ, các xương ngón chân trở nên dễ bị tổn thương hơn trước áp lực và va chạm. Quá nhiều áp lực tác động lên xương sẽ khiến cho chúng bị gãy.
Các triệu chứng của gãy xương do áp lực bao gồm:
Cơn đau xuất hiện sau các hoạt động như đi bộ hay chạy bộ.
Cơn đau biến mất sau khi nghỉ ngơi
Đau và nhạy cảm khi chạm vào vị trí tổn thương
Sưng nhưng không bầm
Gãy di lệch nghĩa là xương gãy đã rời khỏi vị trí ban đầu của nó. Tình trạng này có thể xảy ra sau các chấn thương gãy xương nặng.
Như một bài báo gần đây đã giải thích, gãy di lệch ở các ngón chân có thể khiến ngón chân bị biến dạng gập góc. Trong một số trường hợp, gãy di lệch có thể khiến xương xuyên thủng da và nhô ra ngoài vết thương.
Thời gian hồi phục của gãy ngón chân sẽ tùy thuộc vào từng người.
Tuy nhiên, thời gian hồi phục của gãy ngón chân cái sẽ cần khoảng 5-7 tuần. Còn ở những xương của các ngón nhỏ hơn thì cần khoảng 4-6 tuần.
Mặc dù việc diễn tiến xấu dần có thể xảy ra, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng chỉ có một phần nhỏ những bệnh nhân bị gãy ngón chân sẽ cần điều trị thêm bằng phẫu thuật.
Bong gân khác với gãy xương ở chỗ bong gân chỉ gây ảnh hưởng ở xương và dây chằng.
Bong gân ngón chân xảy ra khi có chấn thương tại cơ và dây chằng của ngón chân. Mặc dù bong gân và gãy ngón chân rất khác nhau nhưng theo một nghiên cứu gần đây thì chúng có thể có những triệu chứng tương tự nhau.
Các triệu chứng của bong gân ngón chân:
Đau
Sưng
Đi lại khó khăn
Các ngón chân bị bong gân cần 4-6 tuần để hồi phục. Cũng như điều trị gãy xương ngón chân, các biện pháp R.I.C.E và giày đế cứng là các biện pháp chính trong điều trị bong gân ngón chân.
Một nghiên cứu năm 2017 giải thích rằng các các dạng gãy ngón chân khác nhau thì có một vài biến chứng giống nhau:
Gãy xương vừng: Xương vừng là những xương nhỏ ở nền của ngón chân cái. Gãy xương vừng có thể khó lành, dẫn đến các cơn đau kéo dài và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thi đấu của các vận động viên.
Gãy ngón chân cái: Có thể gây biến dạng bàn chân và ngón chân cái. Dạng gãy này cũng có thể khiến cho bệnh nhân bị giới hạn vận động ở ngón chân cái, dẫn đến khó khăn kéo dài trong việc đi lại.
Phẫu thuật: Các biện pháp phẫu thuật điều trị gãy ngón chân có thể gây tổn thương thần kinh và dẫn đến nhiễm trùng.
Tổn thương sụn: Nếu như vết gãy đi xuyên đến khớp thì rất có thể sẽ gây tổn thương sụn và gây ra biến dạng và thoái hóa khớp do chấn thương tại vị trí khớp đó.
Chấn thương và tai nạn không phải lúc nào cũng tránh được, nhưng những cách dưới đây có thể giúp làm giảm nguy cơ bị gãy ngón chân:
Tránh mang các loại giày dép không hỗ trợ bàn chân được nhiều, ví dụ như dép kẹp: Dép kẹp hỗ trợ rất ít cho bàn chân, và có thể gây ra các áp lực không cần thiết lên các cơ và xương. Khi mang dép thì việc va chạm ngón chân rất dễ xảy ra. Ngoài ra các loại dép này không bảo vệ được cho ngón chân nếu như té ngã.
Thay giày dép mới ngay khi đế giày bắt đầu mòn: Khi đế giày bắt đầu mòn thì dễ gây té ngã hơn và có thể gây chấn thương ngón chân. Nên thường xuyên kiểm tra đế giày để phát hiện được có mòn hay chưa.
Tập thể dục: Một nghiên cứu năm 2020 nhận thấy rằng việc tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ té ngã ở những người từ 65 tuổi trở lên. Té ngã có thể gây ra nhiều tổn thương cho ngón chân, bao gồm cả gãy.
Kiểm soát đường huyết: Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị các bệnh lý thần kinh có thể làm tổn thương những thần kinh ở bàn chân. Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề về thăng bằng, ngã nhiều hơn và các vết thương ở bàn chân chậm hồi phục hơn.
Các ngón chân bị gãy thường có thể tự hồi phục theo thời gian. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên đi khám để có được biện pháp điều trị đúng đắn và để đảm bảo chắc chắn việc lành của xương.
Nên chăm sóc các vết thương theo đúng hướng dẫn y khoa để phòng ngừa việc một vết thương nhỏ tiến triển thành một vấn đề nghiêm trọng về sau.
Có nhiều loại gãy xương khác nhau có thể gặp ở ngón chân. Một vài nguyên nhân thường gặp gây gãy ngón chân bao gồm chấn thương do chơi thể thao, va chạm ngón chân, trượt và ngã.
Việc điều trị và thời gian hồi phục của gãy ngón chân phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ gãy.
Nếu như nghi ngờ ngón chân bị bong gân hoặc gãy thì nên đi khám ngay để đảm bảo được vết gãy nếu có cũng sẽ được hồi phục đúng cách và không gây ra các vấn đề về lâu dài do không hồi phục đúng cách.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh