Các van tim được ví như cánh cửa đóng mở đều đặn đảm bảo cho máu lưu thông theo một chiều nhất định giữa các buồng tim, giữa tim với động mạch. Hở van tim (van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, động mạch phổi) làm giảm khả năng bơm máu của tim. Hở van tim là một trong những nguyên nhân gây suy tim thường gặp nhất, sau nguyên nhân suy tim do bệnh tăng huyết áp.
Hở van tim tức là van đóng không kín làm máu trào ngược lại buồng tim mỗi khi tim co bóp. Khi đó, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu tới các cơ quan và nó phải thích nghi với tình trạng thiếu hụt này bằng nhiều cách: các buồng tim giãn ra để tăng thể tích chứa máu, cơ tim dày lên giúp bơm máu mạnh mẽ hơn.
Cơ thể cũng cố gắng bù đắp sự thiếu hụt máu do tim làm việc không hiệu quả bằng cách: các mạch máu co lại, muối và nước được tích lại nhiều hơn để giữ huyết áp và giúp máu luân chuyển tốt hơn. Cơ thể cũng chuyển dòng máu ra khỏi các cơ quan ít quan trọng, ưu tiên máu đến nuôi dưỡng tim và não.
Những thay đổi ban đầu này giúp tim làm việc hiệu quả hơn và che dấu được các vấn đề của suy tim. Nhưng theo thời gian, những cố gắng đó không còn hiệu quả. Tim không thể bơm đủ máu đi nuôi cơ thể, khiến người bệnh bị mệt mỏi do thiếu oxy và dưỡng chất, ho do máu ứ tại phổi, phù chi do máu trở về tim khó khăn. Điều này lý giải vì sao phần lớn những người bị hở van tim chỉ nhận biết bệnh khi trái tim đã bị suy yếu sau nhiều năm.
Van hai lá và van động mạch chủ - là hai trong số van bị chịu áp lực lớn hơn hai van còn lại. Vì thế, khi hở hai này nguy cơ suy tim sẽ cao hơn và khi suy tim hậu quả của nó cũng bị nặng nề hơn.
Các van tim có thể bị hở khi bất kỳ một thành phần cấu tạo nào của van như vòng van, lá van, dây chằng van hoặc cơ tim bị tổn thương.
Bệnh thường gặp ở người bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm cơ tim, màng tim, hậu thấp (thấp khớp do liên cầu khuẩn) và một số bệnh khác (Lupus ban đỏ hệ thống, cường giáp, chấn thương vùng ngực có thể gây bất thường trong cấu trúc và chức năng van tim…)
Đa số người hở van hai lá, ba lá mức độ nhẹ sẽ không có dấu hiệu nhận biết sớm, một vài người có khó thở khi gắng sức. Chỉ khi các van hở nặng thì triệu chứng mới rõ rệt. Nhưng van động mạch chủ dù chỉ hở ở mức độ nhẹ đã gây khó thở, mệt mỏi nên có thể phát hiện sớm hơn.
Ngoài những triệu chứng lâm sàng, hở van tim được phát hiện bằng ống nghe thông qua tiếng thổi bất thường ở tim, hoặc điện tim, siêu âm tim…
- Theo dõi định kỳ: nhằm theo dõi mức độ hở van, kích thước buồng tim và đánh giá chức năng tim, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
- Thay đổi lối sống: tránh làm việc nặng quá sức và tập thể dục hàng ngày bằng các bài tập vừa sức.
- Tuân thủ điều trị: giúp làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
Các thuốc điều trị hở van tim không nhằm mục đích làm liền lại van, mà chủ yếu giải quyết tình trạng ứ trệ máu tại tim, giảm áp lực cho tim, giúp máu lưu thông qua van dễ dàng hơn.
Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, các phương pháp điều trị ngoại khoa như thay van, sửa van có thể dễ dàng thực hiện tại bất cứ chuyên khoa tim mạch nào. Tuy nhiên, sửa chữa hay thay mới cũng chỉ giúp van có thể duy trì hoạt động trong giới hạn về thời gian. Vì thế, các nhà khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu để tìm ra những giải pháp để giúp điều trị căn bệnh này hiệu quả hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh