Đại dịch COVID-19 đã đặt ra gánh nặng lớn với hơn 220 triệu trường hợp được xác nhận và hơn 4,5 triệu trường hợp tử vong trên toàn cầu. Với việc triển khai nhanh chóng vaccine an toàn và hiệu quả, một số nước đã giảm thiểu các ca nhiễm, nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, ở các khu vực có ít khả năng tiếp cận với vaccine dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với tình trạng lây nhiễm kéo dài, dẫn đến sự xuất hiện các biến thể mới với khả năng lây truyền nhanh và vaccine có thể trở nên kém hiệu quả. Do đó, việc hiểu rõ tác động của chủ nghĩa dân tộc vaccine và sự phân bổ vaccine đối với việc kiểm soát SARS-CoV-2 là rất quan trọng.
Wagner và cộng sự đã mở rộng các mô hình động lực của SARS-CoV-2 gần đây để xem xét khả năng tiến hóa của virus ở hai vùng giả định, một vùng có khả năng tiếp cận cao với vaccine và một vùng có khả năng tiếp cận thấp. Cấu trúc này cho phép thay đổi sự bền vững, thời gian miễn dịch tự nhiên và miễn dịch cộng đồng do đó cho phép khám phá khái quát về một số tình huống tiềm ẩn. Để mô hình hóa việc chia sẻ vaccine, các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng việc chỉ kết hợp hai khu vực thông qua tỷ lệ tiêm chủng. Đối với các kịch bản dịch tễ miễn dịch học khác nhau của SARS-CoV-2, họ xem xét các động lực trung và dài hạn ở cả hai khu vực. Sau đó, kết nối các khu vực thông qua nhập cư và khả năng lây truyền do quá trình tiến hóa. Wagner và cộng sự đã sử dụng mô hình kết hợp này để khám phá số lượng lây nhiễm cũng như khả năng thích ứng với virus.
Nhìn chung, việc dự trữ vaccine ở các vùng có nguồn dồi dào dẫn đến gia tăng mạnh ca lây nhiễm ở vùng thiếu vaccine. Các vấn đề phức tạp nảy sinh khi dân số và tỷ lệ nhiễm ở mỗi quốc gia khác nhau tùy thuộc vào giả định tiến hóa và nguồn vaccine. Hơn nữa, sự di chuyển của các cá thể bị nhiễm bệnh giữa các quốc gia kết hợp với sự gia tăng tiến hóa khi lây truyền virus có thể làm tăng đáng kể số ca nhiễm. Chia sẻ vaccine có thể là chiến lược mang lại lợi ích rất cao và giảm chi phí giám sát (kiểm tra ở biên giới, theo dõi biến chủng qua giải mã bộ gen…). Trong các ngữ cảnh miễn dịch khác nhau, chia sẻ vaccine giúp làm giảm tiềm lực kháng nguyên cũng như khả năng lây truyền của virus, đặc biệt nếu các ca lây nhiễm sau khi suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên đóng góp nhiều nhất vào tiềm năng tiến hóa.
Bởi vậy, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai vaccine trên toàn thế giới nhanh chóng, công bằng và phải xuất khẩu vaccine đến các khu vực có lượng vaccine thấp song song với việc cung cấp vaccine ở các khu vực có khả năng tiếp cận cao. Các chiến dịch tiêm chủng phối hợp trên toàn cầu, kết hợp với giám sát và các biện pháp can thiệp phù hợp để ngăn chặn ca bệnh nhập cảnh thật sự rất cần thiết để chống lại đại dịch.