Khi bị căng cơ cần làm gì?

Căng cơ

Căng cơ quá mức là tình trạng các thớ cơ căng dãn hơn bình thường, vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ. Căng cơ thường thấy ở những nơi có các vận động xoay tròn hoặc uốn cong như ở vùng thắt lưng, cổ, tay và chân. Căng cơ là chứng đau ở các bắp thịt, có thể khởi đau tức khắc hoặc là sau đó vài giờ. Các vùng bị đau có khuynh hướng bị sưng lên và cũng có thể xuất hiện những vết bầm tím.

 

Căng cơ xảy ra khi nào?

Chứng căng cơ xảy ra khi dồn ép nhiều sức lực vào một bắp thịt hoặc là cố sức để với lấy một vật gì đó quá xa, hoặc khi nâng nhấc một vật nặng. Chứng căng cơ thường xảy ra nhiều hơn khi bạn không trải qua khâu làm nóng cơ thể (khởi động) trước những lần vận động nặng. Đặc biệt rất hay gặp đối với người hay luyện tập thể thao vừa mới trở lại tập luyện sau một thời gian nghỉ tập.

 

Khi bị căng cơ cần làm gì?

Khi bị căng cơ, phải dừng ngay lao động, tập luyện sau đó bạn cần chườm lạnh. Dùng túi đá ướp chườm lạnh ngay tại chỗ 10 - 15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ, lặp lại nhiều lần trong ngày. Có thể chườm lạnh trong 1 - 3 ngày đầu sau khi bị thương. Không nên chườm một lần quá lâu. Mục đích để phòng biến chứng, không gây tụ máu hay chảy máu. Sau khi chườm lạnh xong cần nghỉ ngơi thư giãn.

 

Lưu ý

Khi bị chấn thương, bệnh nhân không được chườm nóng hoặc dùng dầu và rượu xoa bóp. Vì chườm nóng hoặc xoa bóp lại khiến các dây chằng bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi. Chúng sẽ trở nên yếu hơn và dễ chấn thương trở lại khi có những cử động hơi mạnh.

Thông thường, nếu tổn thương nhẹ, bệnh nhân sẽ hoàn toàn phục hồi sau khi điều trị được 2-3 ngày. Lúc này, người bệnh có thể tập luyện nhẹ nhàng (khoảng 50% sức), và tăng từ từ để cơ thể dễ thích nghi. Nếu là chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu mà hoạt động vẫn còn khó khăn, cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, bệnh nhân nên đến khám ở các bệnh việc chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top