Từ A – Z những điều cần biết về bệnh động mạch vành

Nội dung

Tình trạng tăng cholesterol trong máu do béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp là thủ phạm gián tiếp gây bệnh động mạch vành. Người mắc bệnh động mạch vành có nguy cơ giảm khả năng lao động, thậm chí có thể dẫn đến suy tim vô cùng nguy hiểm.

1. Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành là bệnh lý động mạch nuôi tế bào cơ tim bị hẹp đi

 

Bệnh động mạch vành là bệnh lý động mạch nuôi tế bào cơ tim bị hẹp đi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do sự tích tụ cholesterol hoặc các mảng xơ vữa lên thành động mạch lâu ngày. Quá trình tích tụ này hay còn được gọi là quá trình xơ vữa động mạch. Theo thời gian, bệnh có thể khiến cơ tim suy yếu, dẫn đến các biến chứng như suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.

 

2. Dấu hiệu bệnh động mạch vành

Triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất của động mạch vành đó là dấu hiệu đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi cơ tim không được cung cấp đủ máu giàu oxy. Người bệnh có thể cảm nhận sự chèn ép và áp lực đè nặng lên ngực. Cảm giác chèn ép này có thể lan ra vai, cánh tay trái, cổ và lưng. Cơn đau cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi người bệnh vận động. Những xúc động mạnh về tinh thần hoặc tâm lý cũng có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực này.

Ngoài ra, người mắc động mạch vành còn có thể kèm theo các triệu chứng như khó thở, xuất hiện khi tim phải hoạt động nhiều. Đồng thời ứ đọng tuần hoàn trong phổi, có thể dẫn đến khó thở.

 

Triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất của bệnh động mạch vành đó là dấu hiệu đau thắt ngực.

 

3. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh động mạch vành?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, hút thuốc, lượng mỡ trong máu cao, cao huyết áp, tiểu đường hoặc viêm mạch máu là những yếu tố chính gây nên tổn thương thành động mạch, từ đó dẫn đến động mạch vành.

Khi động mạch bị thương tổn, các mảng bám bắt đầu bám vào động mạch. Theo thời gian, các mảng bám này trở nên lớn hơn, khiến vành động mạch hẹp, từ đó cản trở sự di chuyển của máu giàu oxy đến tim. Nếu các mảng bám này bị vỡ ra, các tiểu cầu sẽ bám vào vết thương trên động mạch sau đó tạo thành các khối máu đông. Khối máu đông có thể chặn động mạch, khiến các cơn đau thắt ngực trở nên trầm trọng. Khối máu đông khi có kích thước đủ lớn, sẽ dẫn đến tình trạng tắc động mạch, gây nhồi máu cơ tim.

 

4. Người mắc bệnh động mạch vành cần làm gì?

Để hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch vành, người bệnh nên duy trì những thói quen sinh hoạt như:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dung nhiều trái cây và rau xanh, sử dụng các sản phẩm sữa ít béo, hạn chế dùng các thực phẩm ít chất béo bão hòa hoặc chất béo tổng hợp vào khẩu phần ăn;
  • Hạn chế sử dụng muối trong khẩu phần ăn;
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao như đi bộ nhanh ít nhất 30 phút/ngày. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia thể dục để được hướng dẫn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn;
  • Duy trì cân nặng hợp lí.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top