Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương đặc trưng bởi sự giảm khối lượng và suy giảm vi cấu trúc của mô xương, dẫn đến giảm sức mạnh của xương và tăng nguy cơ gãy xương. Các vị trí gãy xương thường gặp bao gồm: xương cổ tay, cột sống và cổ xương đùi. Căn bệnh này thường do thiếu hụt các vi chất quan trọng như vitamin D, canxi, magie…
Để đánh giá tình trạng loãng xương, phương pháp chuẩn hiện nay là đo mật độ khoáng xương (Bone Mineral Density – BMD) bằng kỹ thuật hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA).
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương, trong đó tuổi tác là một nguyên nhân thường gặp
Loãng xương được chia thành hai nhóm chính:
Type 1 (loãng xương sau mãn kinh): Thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 50–55, nguyên nhân chủ yếu là do suy giảm nội tiết tố estrogen sau mãn kinh, ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương, dẫn đến mất chất khoáng ở xương xốp. Hậu quả là tăng nguy cơ gãy lún đốt sống và gãy xương Pouteau-Colles.
Type 2 (loãng xương tuổi già): Gặp ở cả nam và nữ sau tuổi 70. Nguyên nhân liên quan đến sự suy giảm chức năng tạo cốt bào và giảm hấp thu canxi ở ruột, dẫn đến cường cận giáp thứ phát và mất chất khoáng ở cả xương xốp và xương đặc, thường gây gãy cổ xương đùi.
Do các nguyên nhân bệnh lý hoặc do sử dụng thuốc kéo dài, bao gồm:
Bệnh nội tiết: đái tháo đường, cường giáp, suy tuyến yên, hội chứng Cushing…
Bệnh khớp mạn tính: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống…
Bệnh lý mạn tính khác: ung thư, bệnh gan, bệnh tiêu hóa, bệnh di truyền…
Tác dụng phụ của thuốc: corticoid, heparin, thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh…
Loãng xương thường không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi xảy ra biến cố gãy xương. Các triệu chứng cảnh báo có thể bao gồm:
Đau cột sống thắt lưng hoặc đau xương mạn tính.
Giảm chiều cao, gù lưng, hạn chế vận động cột sống.
Dễ bị gãy xương sau chấn thương nhẹ.
Khó khăn khi cúi, xoay người, đi lại.
Các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
Người cao tuổi, thể trạng gầy, ít vận động thể lực.
Phụ nữ sau mãn kinh, đặc biệt mãn kinh sớm hoặc đã cắt buồng trứng.
Người có chế độ ăn thiếu canxi, vitamin D.
Người nghiện rượu, thuốc lá, cafein.
Người có tiền sử gãy xương hoặc tiền sử gia đình có người bị loãng xương.
Bệnh lý nội tiết hoặc sử dụng thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa xương.
Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương bệnh lý, đặc biệt là gãy cổ xương đùi – một biến chứng có tỷ lệ tử vong và tàn tật cao ở người cao tuổi. Ngoài ra, các biến chứng do bất động kéo dài sau gãy xương như viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, loét tì đè... cũng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong và giảm chất lượng cuộc sống.
Loãng xương có thể phòng tránh thông qua các biện pháp sau:
Dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung canxi, vitamin D, magie, vitamin K, C từ thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Nhu cầu canxi trung bình:
Trẻ em và vị thành niên: 600–1000 mg/ngày
Người trưởng thành: 1000 mg/ngày
Người >50 tuổi: 1200 mg/ngày
Vận động thể lực: Tập luyện đều đặn với các bài tập chịu trọng lượng như đi bộ, chạy bộ nhẹ, yoga, thể dục nhịp điệu, đạp xe, bơi lội...
Tránh yếu tố nguy cơ: Hạn chế rượu, thuốc lá, caffeine; phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi.
Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh và người trên 50 tuổi nên đo mật độ xương định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ loãng xương.
Loãng xương là bệnh lý mạn tính diễn tiến âm thầm nhưng gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nâng cao nhận thức, sàng lọc nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa sớm là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe hệ cơ xương và cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh