Loãng xương là tình trạng xương mềm, dễ gãy và trở nên yếu. Những năm về trước, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh loãng xương cao hơn so với nam giới, lên đến 75%. Nguyên nhân vì nam giới có mật độ xương dày hơn và tỷ lệ mất xương thường rơi vào ở độ tuổi cao, khoảng trên 70 tuổi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh loãng xương xảy ra ở nam giới đã trở nên phổ biến hơn và gây tỷ lệ tử vong cao. Do bệnh thường phát triển âm thầm và tiến triển khá nhanh, chỉ khi gãy xương người bệnh mới nhận thức được điều đó.
Theo thống kê, đa số trường hợp nam giới bị loãng xương đều do tuổi cao. Từ 20 – 30 tuổi là khoảng thời gian mật độ xương đạt cao nhất. Lúc này, cơ thể luôn tạo ra mô xương mới để thay thế cho các mô xương đã cũ thông qua quá trình chu chuyển xương.
Tuy nhiên, khi tuổi tác cao dẫn đến các tế bào xương bị lão hóa, việc hấp thụ canxi và vitamin D – 2 chất có vai trò lớn trong quá trình tái tạo xương – kém dần. Từ đó quá trình thoái hóa xương được đẩy lên, làm xương phát triển chậm, gây yếu mềm xương, dễ gãy.
Dưới đây là các yếu tố chính tác động gây loãng xương:
– Tuổi già, tuổi cao.
– Tiền sử gia đình: Theo nghiên cứu, nếu trong gia đình có người thân từng mắc loãng xương thì nguy cơ các thành viên trong nhà cũng dễ mắc bệnh. Đặc biệt với người từng bị gãy xương.
– Hút thuốc lá: Người hút thuốc lá có nguy cơ gãy xương cao hơn so với người không hút
– Uống bia rượu, đồ uống có cồn: Rượu làm cho quá trình tái tạo xương cơ thể bị giảm và khó hấp thu canxi
– Chế độ ăn uống: Chế độ ăn không cung cấp đủ canxi cũng làm chậm quá trình tái tạo xương. Nam giới dưới 65 tuổi cần hấp thụ 1000mg canxi mỗi ngày.
– Lười vận động: Những người có thói quen ít vận động thường có nguy cơ bị loãng xương cao
– Mắc các bệnh lý nền mãn tính: Nếu mắc một số bệnh lý có thể ảnh hưởng quá trình hấp thụ canxi như tiểu đường, bệnh thận và phổi mãn tính…
Hầu hết bệnh loãng xương đều phát triển âm thầm và không có biểu hiện ra ngoài. Đợi đến khi nhận thấy những triệu chứng cụ thể từ cơ thể thì khi đó cơ thể chúng ta đã mất tới 30% khối lượng xương. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến ở nam giới bị loãng xương mà bạn cần lưu ý:
– Đau mỏi: các cơn đau thưởng bắt đầu ở cột sống, lan theo khoanh liên sườn, đau khi thay đổi tư thế, ngồi lâu; đau cơ bắp, bắp chân
– Chuột rút: thường bị chuột rút khi thay đổi tư thế
– Rút ngắn chiều cao: do canxi bị mất dần theo thời gian
– Gù lưng
– Gãy lưng dù không phải do chấn thương
– Đau bụng chậm tiêu, ngực nặng khó thở
Theo nghiên cứu, phụ nữ thường dễ mắc các bệnh về xương khớp, trong đó có loãng xương cao hơn so với đàn ông. Hầu hết các trường hợp bệnh loãng xương đều là phụ nữ khoảng 40 tuổi trở lên. Trong khi đó, đàn ông từ 65 tuổi mới phát hiện bệnh loãng xương.
Lý giải điều này là do phụ nữ có mật độ xương thấp, xương nhỏ và mỏng, trọng lượng xương nhẹ hơn so với nam giới. Đây được cho là nguyên nhân hàng đầu của loãng xương ở nữ giới, bởi khi mất 1 tế bào xương nhỏ cũng rất dễ dẫn đến tình trạng loãng xương.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác của phụ nữ cũng gây ra hiện tượng loãng xương, đó là:
– Do mang thai: Bởi trong giai đoạn thai kỳ, phụ nữ phải cung cấp canxi cho thai nhi để phải triển xương. Do đó, nếu người mẹ không tự cung cấp đủ dinh dưỡng vitamin D và canxi, bé trong bụng sẽ lấy canxi từ xương cơ thể mẹ dẫn đến nguy cơ loãng xương ở mẹ.
– Nội tiết tố thay đổi: Đời người phụ nữ phải trải qua rất nhiều giai đoạn thay đổi nội tiết tố: chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và thời kỳ mãn kinh. Khi đó, sự sụt giảm hormone oestrogen làm thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa xương, giảm khả năng hấp thụ canxi.
Để điều trị bệnh loãng xương, bác sĩ sẽ khám và đưa ra chẩn đoán chuẩn xác về mức độ bệnh, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị thích hợp. Đối với trường hợp loãng xương chưa gây biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc thích hợp.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cũng nên thực hiện một số mẹo dưới đây để giúp hạn chế quá trình thoái hóa xương khớp.
– Không hút thuốc.
– Tránh sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu.
– Bổ sung đầy đủ khoáng chất, đặc biệt là canxi và vitamin D.
– Vận động, luyện tập thể dục thường xuyên: giúp tăng độ dẻo dai cho xương khớp. Tùy vào cơ địa và tình trạng sức khỏe, bạn có thể lựa chọn cho mình 1 chế độ tập thích hợp (có thể tham khảo ý kiến bác sĩ).
– Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 1 năm/lần để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể và kịp thời chữa trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh