✴️ Mối liên hệ giữa viêm khớp vảy nến và trầm cảm

Bài viết này đưa ra các nguyên nhân trầm cảm ở những người bị viêm khớp vẩy nến (PsA), mối liên quan, thông tin về điều trị và đối phó với trầm cảm.

Mối liên hệ giữa PsA và trầm cảm là gì?

Trong lúc bùng phát, người mắc bệnh PsA có thể bị tổn thương da. Một số người cảm thấy lo lắng về những triệu chứng này gây mất tự tin, cảm giác cô đơn và sự kỳ thị từ những người xung quanh.

Nếu một người không có triệu chứng rõ ràng, họ có thể cảm thấy rằng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hiểu nhầm hoặc không cảm thông với những nỗi đau mà bệnh gây ra cho họ. Điều này có thể gây bực bội và khó chịu cho chính bệnh nhân.

Các yếu tố sau đây có thể góp phần vào sự phát triển trầm cảm ở những người mắc bệnh PsA.

Giảm chất lượng cuộc sống

Những người mắc viêm khớp vảy nến có thể gặp một loạt các triệu chứng thực thể như đau mãn tính, mệt mỏi và giảm khả năng vận động. Những triệu chứng này có thể gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc thực hiện các hoạt động hàng dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống.

Một nghiên cứu năm 2014 đã tiến hành theo dõi sức khỏe tâm thần của 306 người mắc bệnh viêm khớp vảy nến và 135 người mắc bệnh vẩy nến nhưng không mắc  PsA. Kết quả cho thấy rằng trầm cảm và lo lắng là tình trạng phổ biến hơn ở những người bị PsA hơn so với những người bị bệnh vẩy nến đơn thuần.

Mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ

Nghiên cứu năm 2017 đã xem xét mối quan hệ giữa bệnh nhân mắc Psa, chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của họ. Kết quả dựa trên 41 người mắc bệnh PsA và 38 người không mắc bệnh PsA. Người bị PsA được báo cáo có rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng hơn. Rối loạn giấc ngủ đặc biệt liên quan đến đau, viêm, lo lắng và giảm chất lượng cuộc sống.

Viêm

Những người mắc bệnh PsA và các bệnh viêm mãn tính khác có mức độ cao hơn các cytokine tiền viêm là tác nhân kích hoạt các phản ứng viêm trong cơ thể.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mức độ cao của các cytokine gây viêm cũng có thể góp phần làm tăng mức độ trầm cảm. Cụ thể, các cytokine làm giảm nồng độ các chất hóa học quan trọng trong não bao gồm:

  • Serotonin: đôi khi được gọi là "hóa chất hạnh phúc", đóng vai trò điều chỉnh tâm trạng liên quan đến sự hưng phấn và cảm giác hạnh phúc.
  • Dopamine: là một hormone có vai trò trong động lực và niềm vui.
  • Norepinephrine: giúp điều chỉnh cảm xúc.

Người có nồng độ thấp các chất hóa học này có thể tăng nguy cơ mắc phải và mức độ trầm cảm.

Stress

Khi một người bị căng thẳng, não giải phóng các chất hóa học. Một số trong các chất này có thể ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch. Thông qua một chuỗi các phản ứng phức tạp, các tế bào miễn dịch này làm tăng mức độ của các cytokine gây viêm trong não, các cytokine có thể kích hoạt tình trạng viêm và trầm cảm.

Quá trình này thiết lập một vòng tròn khép kín, trong đó căng thẳng gây ra viêm và viêm gây ra căng thẳng nhiều hơn.

viêm khớp vảy nến và trầm cảm

Hàm lượng vitamin D thấp

Nghiên cứu năm 2015 cho thấy phần lớn những người tham gia mắc bệnh PsA, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm xương khớp có lượng vitamin D không đủ.

Cơ thể cần cung cấp đủ vitamin D có vai trò trong việc duy trì làn da và xương khỏe mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng vitamin D cũng có vai trò trong việc ngăn ngừa trầm cảm.

Một nghiên cứu năm 2013 đã so sánh mức độ vitamin D giữa ba nhóm người:

  • 1.102 người trưởng thành đang bị trầm cảm;
  • 790 người trưởng thành có tiền sử trầm cảm;
  • 494 người chưa bao giờ bị trầm cảm.

So với những người không có tiền sử trầm cảm, những người đang bị trầm cảm có mức vitamin D thấp hơn. Những người có triệu chứng trầm cảm nặng hơn có mức vitamin D thấp hơn.

Mặc dù các nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ có thể có giữa PsA, vitamin D và trầm cảm, nhưng chưa có nghiên cứu công bố chính thức về mối liên hệ trực tiếp giữa các yếu tố này.

Điều trị

Bác sĩ điều trị thường khuyên  bệnh nhân tham gia các khóa trị liệu, hoặc điều trị tâm lý. Các phương pháp điều trị sau đây có thể giúp những người mắc bệnh PsA ngăn ngừa hoặc vượt qua trầm cảm:

Nói chuyện với người khác

Bằng cách nói chuyện với những người khác về tình trạng bệnh lý của mình, bệnh nhân có thể nhận được giúp đỡ, cảm thông từ người khác. Mặt khác gặp gỡ thường xuyên với mọi người có thể giúp bệnh nhân chống lại cảm giác bị cô lập.

Luyện tập thể dục

Tập thể dục giúp giữ cho các khớp linh hoạt đồng thời giải phóng các hóa chất não gọi là endorphin, có thể tăng cường tâm trạng.

Hướng dẫn từ năm 2018 khuyến nghị tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng như thái cực quyền, yoga hoặc bơi lội. Kết hợp tập thể dục với các kỹ thuật thư giãn để giúp giảm căng thẳng và các triệu chứng.

Bổ sung vitamin D

Theo một đánh giá năm 2016, hiện tại không có đủ bằng chứng để xác nhận rằng bổ sung vitamin D làm giảm trầm cảm. Cho đến nay, hầu hết những người tham gia tham gia vào các nghiên cứu này đều có mức độ trầm cảm thấp và lượng vitamin D trong cơ thể vẫn đầy đủ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu đánh giá cho thấy rằng uống thuốc vitamin D và thoa kem dưỡng da có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh vẩy nến.

Liệu pháp sinh học

Thuốc sinh học điều trị bệnh bằng cách nhắm mục tiêu các thành phần riêng biệt của hệ thống miễn dịch.

Nghiên cứu năm 2016 đã xem xét tác động của sinh học đối với chứng mất ngủ và trầm cảm ở 980 người mắc bệnh PsA hoặc bệnh vẩy nến. Kết quả cho thấy trước khi sử dụng sinh học, khoảng 20% ​​những người tham gia nghiên cứu đã dùng thuốc chống trầm cảm. Sau 2 năm đã giảm 40% số lượng người sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Trên thực tế, một đánh giá năm 2015 báo cáo rằng một số thuốc sinh học có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm ở những người bị bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng. Các hướng dẫn hiện khuyên dùng thuốc sinh học cho hầu hết những người có chẩn đoán mới về PsA, trừ khi bệnh nhân có tiền sử nhiễm trùng thường xuyên.

Tuy nhiên cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn bao gồm các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát để tìm hiểu xem liệu dùng thuốc sinh học có thể làm giảm trầm cảm ở những người mắc bệnh PsA hay không trước khi đưa đến kết luận cuối cùng.

Kiểm soát căng thẳng

Các chuyên gia gợi ý các biện pháp sau để quản lý căng thẳng - yếu tố chính gây ra bệnh bùng phát và bệnh trầm cảm:

  • Nghỉ ngơi 10 phút mỗi ngày và sử dụng thời gian để vận động. Có thể lựa chọn các hình thức như thiền hoặc một bài tập thở đơn giản.
  • Suy nghĩ tích cực trước khi đi ngủ. Những người lo lắng có thể cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi vào ngày hôm sau. Nên suy nghĩ một câu chuyện vui vẻ, dễ chịu trước khi đi ngủ có thể giúp đánh lạc hướng khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
  • Chống lại những suy nghĩ bi quan bằng những suy nghĩ tích cực hoặc trung tính.

Thuốc chống trầm cảm

Như đã thảo luận ở trên, những người mắc bệnh PsA có thể có mức độ cytokine gây viêm trong máu cao hơn. Những cytokine này có thể góp phần vào trầm cảm bằng cách giảm mức độ của một số chất trong não.

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc là loại thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách tăng mức độ serotonin trong não. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine là một loại thuốc chống trầm cảm khác hoạt động bằng cách tăng mức độ của cả serotonin và norepinephrin.

điều trị viêm khớp vảy nến

Tóm lược

Có nhiều nguyên nhân có thể gây nên trầm cảm và tụt cảm xúc ở những người mắc bệnh PsA. Những yếu tố này có thể liên quan đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần.

Nhiều phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân vượt qua cảm giác chán nản. Nếu lo lắng về trầm cảm, bệnh nhân có thể tham khảo với bác sĩ để được tư vấn về phương pháp điều trị và chiến lược điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top