Một số thông tin về glucosamine

Có những báo cáo cho rằng việc sử dụng Glucosamine với vitamin C, bromelain, chondroitin sulfate hoặc magiê có thể làm tăng tác dụng của glucosamine trong điều trị viêm xương khớp. Những báo cáo ban đầu khác cho thấy có thêm một số lợi ích với bệnh vảy nến nếu glucosamine được dùng với dầu cá.

Có nhiều giả thuyết, nhưng sự thật là gì? Nếu bạn sử dụng glucosamine hoặc cân nhắc sử dụng thử, có 10 điều sau bạn nên biết về glucosamine.

1. Glucosamine là hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong sụn khỏe mạnh

Glucosamine sulfate là thành phần tự nhiên của glycosaminoglycan có trong sụn và chất hoạt dịch. Nghiên cứu cho thấy sử dụng glucosamine giúp giảm đau gần tương tự như thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID). Cũng có giả thiết cho rằng glucosamine có thể làm chậm tổn thương sụn ở bệnh nhân viêm xương khớp. Kết luận chính xác đang được mong đợi trong nghiên cứu lâm sàng lớn được thực hiện bởi Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH).

 

2. Kết quả từ nghiên cứu của NIH về Glucosamine/ thử nghiệm chondroitin trong can thiệp viêm khớp (GAIT) cho thấy kết quả không mong đợi

GAIT được thiết kế để kiểm tra mức độ hiệu quả ngắn hạn của glucosamine và chondroitin sulfate trong giảm đau ở số lượng lớn người bị bệnh viêm khớp gối. Những người này được lựa chọn ngẫu nhiên vào 5 nhóm dựa trên phương pháp điều trị:

  • 1 nhóm chỉ dùng glucosamine
  • 1 nhóm chỉ dùng chondroitin sulfat
  • 1 nhóm dùng phối hợp glucosamine và chondroitin sulfate
  • 1 nhóm chỉ dùng Celecoxib
  • 1 nhóm chỉ dùng giả dược

Kết quả của GAIT cho thấy: những người dùng celecoxib sẽ giảm đau khớp đáng kể so với nhóm dùng giả dược.

Trong khi đó, dùng glucosamine phối hợp với chondroitin sulfate sẽ giảm đau đáng kể ở những người có cơn đau từ trung bình đến nặng và không có hiệu quả với những người tham gia chỉ đau nhẹ. Tương tự như vậy, nếu chỉ sử dụng một trong hai thuốc nói trên cũng không cho thấy kết quả giảm đau đáng kể.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng vẫn cần những nghiên cứu khác để khẳng định các kết quả này.

 

3. Hãy hỏi bác sỹ để được điều trị bằng glucosamine

Bạn nên trao đổi mong muốn dùng glucosamine với bác sĩ để có những hướng dẫn điều trị chính xác nhất. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn về những vấn đề an toàn liên quan đến glucosamine và giúp bạn thực hiện được mong muốn sử dụng glucosamine một cách an toàn và hiệu quả nhất.

 

4. Glucosamine được bán như thực phẩm bổ sung được chiết xuất chủ yếu từ vỏ tôm cua

Glucosamine thường được khuyến cáo nên tránh dùng với bệnh nhân dị ứng tôm cua. Hầu hết các tình trạng dị ứng tôm cua là do protein trong tôm cua gây ra chứ không phải do chitin – loại carbohydrate từ vỏ tôm cua được sử dụng để chiết xuất ra glucosamine.

Do vậy, điều quan trọng là nếu bạn có dị ứng với tôm cua, hãy nói chuyện với bác sỹ để có lời khuyên về việc có nên dùng glucosamine hay không.

 

5. Luôn tuân theo liều lượng glucosamine được khuyến cáo

Liều khởi đầu là 1.500 mg glucosamine và 1.200 mg chondroitin hằng ngày trong 6-8 tuần. Nếu đạt được đáp ứng điều trị, liều dùng có thể giảm xuống 1.000 mg glucosamine và 800mg chondroitin hoặc ít hơn.

Bạn có thể dùng glucosamine trong khi vẫn dùng thuốc điều trị viêm khớp như thường ngày. Hiệu quả điều trị của glucosamine thường chỉ có sau khi sử dụng một vài tháng.

 

6. Lưu ý rằng, một số sản phẩm glucosamine trên thị trường không được kiểm định

Theo khuyến cáo, bạn nên mua thực phẩm bổ sung từ những công ty lớn, có uy tín. Công ty bạn mua hàng nên có danh tiếng vì có nhiều sản phẩm không chứa đủ lượng bổ sung như được ghi trên nhãn. Do vậy, người tiêu dùng nên chú ý khi đi mua glucosamine nói riêng và các loại thực phẩm chức năng khác nói chung.

 

7. Nếu bạn xuất hiện những tác dụng không mong muốn, bạn có thể muốn thay đổi nhãn hiệu trước khi từ bỏ việc dùng glucosamine

Tác dụng phụ thường gặp đi kèm với glucosamine bao gồm:

  • Chướng bụng
  • Phân nhão
  • Đau bụng
  • Buồn ngủ
  • Mất ngủ
  • Đau đầu
  • Phản ứng da
  • Nhạy cảm ảnh nắng mặt trời
  • Móng (móng tay móng chân) bị dày hơn

Glucosamine có thể gây tăng huyết áp tạm thời và tăng nhịp tim, đánh trống ngực

 

8. Sau nhiều nghiên cứu, vẫn chưa rõ liệu glucosamine có ảnh hưởng đến lượng đường huyết hay không

Bệnh nhân tiểu đường hoặc bệnh nhân bị hạ đường huyết được khuyên là nên thận trọng khi sử dụng glucosamine. Những bệnh nhân này nên được theo dõi đường huyết thường xuyên. Do glucosamine là một loại đường amino nên cần cẩn trọng. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước

 

9. Glucosamine có thể tăng nguy cơ chảy máu ở một số bệnh nhân

Những bệnh nhân mắc các rối loạn chảy máu, bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu và bệnh nhân điều trị với aspirin nên kiểm tra đông máu thường xuyên hơn. Liều glucosamine có thể cần điều chỉnh nếu có vấn đề.

 

10. Glucosamine không được khuyến cáo khi đang mang thai hoặc cho con bú

Do thiếu bằng chứng khoa học trong mảng này, khuyến cáo nên tránh dùng glucosamine khi đang mang thai và cho con bú.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top