Viêm cân gan chân (plantar fasciitis) là tình trạng viêm đau tại dải mô liên kết (cân gan chân) kéo dài từ xương gót đến các ngón chân. Cấu trúc này có vai trò duy trì vòm bàn chân, hấp thu lực và hỗ trợ việc đi lại, đứng lâu hoặc vận động.
Khi cân gan chân bị tổn thương, người bệnh thường cảm thấy đau nhói ở vùng gót, đặc biệt vào buổi sáng sớm khi bước chân đầu tiên ra khỏi giường, hoặc sau khi ngồi lâu và bắt đầu di chuyển trở lại.
Viêm cân gan chân xảy ra khi có hiện tượng kéo căng quá mức hoặc lặp lại dẫn đến viêm vi sợi, vi chấn thương, sau đó là thoái hóa mô liên kết. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
Bàn chân bẹt hoặc vòm bàn chân cao.
Nữ giới, người thừa cân, hoặc người phải đứng – đi lại nhiều giờ liên tục trên mặt phẳng cứng.
Vận động viên chạy bộ, chơi tennis, người đi chân đất thường xuyên hoặc mang giày cao gót, giày đế cứng.
Viêm nơi bám gân gót hoặc hình thành gai xương gót là hậu quả thường gặp khi viêm kéo dài không được điều trị.
Đau nhức vùng gót chân, thường xuất hiện khi mới ngủ dậy hoặc sau khi ngồi lâu đứng dậy.
Cơn đau giảm dần khi đi lại một thời gian, nhưng tăng lên khi vận động mạnh.
Đau có thể từ âm ỉ đến nhói buốt, lan dọc lòng bàn chân.
Trong giai đoạn mạn tính, người bệnh có thể thay đổi dáng đi để giảm đau, dẫn đến biến chứng tại khớp gối, hông hoặc cột sống.
Giảm áp lực lên cân gan chân.
Giảm viêm và kiểm soát đau.
Phục hồi chức năng cân gan chân.
Ngăn ngừa tái phát và biến chứng.
Không dùng thuốc:
Nghỉ ngơi, hạn chế đứng lâu hoặc đi bộ quá mức.
Mang giày mềm, có đế lót gót silicone hoặc cao su.
Không đi chân đất.
Tập các bài kéo giãn gân Achilles và cân gan chân, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi.
Giảm đau tại chỗ:
Chườm đá vùng gót chân 15–20 phút, 3–4 lần/ngày.
Ngâm chân nước ấm vào buổi tối để thư giãn mô mềm.
Điều trị nội khoa:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): như ibuprofen, naproxen, meloxicam hoặc celecoxib. Uống sau ăn, có thể phối hợp thuốc bảo vệ dạ dày.
Thời gian sử dụng: khoảng 1–2 tuần dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Điều trị hỗ trợ:
Giảm cân nếu thừa cân.
Tập luyện phù hợp, tránh vận động cường độ cao đột ngột.
Massage lòng bàn chân, sử dụng con lăn hoặc bóng tennis lăn dưới gan bàn chân mỗi sáng.
Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị khi viêm can gân bàn chân
Cơn đau không cải thiện sau 6–12 tuần điều trị bảo tồn.
Hình ảnh chẩn đoán (X-quang) cho thấy gai xương gót lớn hoặc có dấu hiệu viêm mạn.
Bác sĩ có thể chỉ định:
Tiêm corticosteroid tại chỗ.
Điều trị vật lý trị liệu (siêu âm, sóng xung kích).
Phẫu thuật (rất hiếm khi cần) để giải phóng cân gan chân trong trường hợp kháng trị.
Viêm cân gan chân là một nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân, có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp. Việc kết hợp nghỉ ngơi, tập luyện kéo giãn, điều chỉnh chế độ sinh hoạt và điều trị nội khoa sẽ giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển thành mạn tính.
Người bệnh nên thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp hoặc y học thể thao khi có dấu hiệu đau gót kéo dài, đặc biệt sau khi nghỉ ngơi hoặc buổi sáng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh