Thận là cơ quan nằm ở vùng hạ sườn hai bên cột sống, giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì cân bằng nội môi và loại bỏ các sản phẩm chuyển hóa ra khỏi cơ thể. Chức năng chính của thận bao gồm lọc máu để loại bỏ các chất cặn bã, nước dư thừa, điều hòa áp suất thẩm thấu, cân bằng điện giải, duy trì pH máu, sản xuất hormone điều hòa huyết áp (renin), kích thích tạo hồng cầu (erythropoietin) và chuyển hóa vitamin D sang dạng hoạt động.
Bảo vệ sức khỏe thận đóng vai trò trọng yếu trong dự phòng bệnh lý thận mạn và nâng cao chất lượng sống.
2.1. Duy trì hoạt động thể chất
Hoạt động thể lực thường xuyên có liên quan đến giảm nguy cơ bệnh thận mạn (CKD), thông qua cải thiện huyết áp, chuyển hóa glucose và chức năng tim mạch. Các hoạt động như đi bộ nhanh, đạp xe, khiêu vũ, hoặc các bài tập thể dục vừa phải có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu đến thận và duy trì chức năng lọc.
2.2. Kiểm soát đường huyết
Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận mạn do tổn thương vi mạch cầu thận. Kiểm soát đường huyết hiệu quả giúp giảm gánh nặng lọc của thận và phòng ngừa biến chứng vi mạch. Theo dõi HbA1c định kỳ và tuân thủ điều trị là cần thiết để ngăn ngừa biến chứng thận do đái tháo đường.
2.3. Kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp làm tổn thương cầu thận thông qua cơ chế tăng áp lực lọc và tổn thương mao mạch cầu thận. Huyết áp mục tiêu được khuyến cáo là <130/80 mmHg đối với người có yếu tố nguy cơ. Kiểm soát huyết áp thông qua thay đổi lối sống và sử dụng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin (ACEi hoặc ARB) có hiệu quả trong bảo vệ thận.
2.4. Duy trì cân nặng hợp lý và chế độ ăn khoa học
Béo phì làm tăng nguy cơ kháng insulin, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch – các yếu tố nguy cơ của bệnh thận. Chế độ ăn nên giàu rau củ, trái cây, thực phẩm ít natri, hạn chế protein động vật dư thừa, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn. Những thực phẩm hỗ trợ chức năng thận bao gồm: súp lơ, cá, việt quất, ngũ cốc nguyên cám.
2.5. Cung cấp đủ nước
Duy trì thể tích tuần hoàn đầy đủ giúp hỗ trợ chức năng lọc của thận. Lượng nước khuyến cáo khoảng 1.5–2 lít/ngày, tùy theo tuổi, mức độ hoạt động, giới tính, điều kiện khí hậu và tình trạng bệnh lý nền. Những người có tiền sử sỏi thận cần được khuyến cáo uống nhiều nước hơn để phòng ngừa tái phát.
2.6. Ngưng hút thuốc lá
Hút thuốc gây co mạch, tổn thương nội mô và làm giảm lưu lượng máu đến thận, đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào thận. Ngưng hút thuốc giúp cải thiện chức năng mạch máu và giảm nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn.
2.7. Thận trọng với thuốc không kê đơn
Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen có thể gây độc tính trên thận nếu sử dụng kéo dài, đặc biệt trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (tuổi cao, đái tháo đường, tăng huyết áp). Nên hạn chế dùng liên tục quá 10 ngày và nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng lâu dài.
2.8. Tầm soát chức năng thận định kỳ ở nhóm nguy cơ cao
Cần sàng lọc định kỳ chức năng thận (định lượng creatinin huyết thanh, eGFR, và protein niệu/albumin niệu) ở các nhóm sau:
Người ≥ 60 tuổi
Có tiền sử bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp
Đái tháo đường type 1 hoặc 2
Người béo phì
Có tiền sử gia đình mắc bệnh thận
Từng có tiền sử tổn thương thận cấp hoặc nhiễm trùng niệu tái phát
3.1. Bệnh thận mạn (Chronic Kidney Disease - CKD)
Bệnh lý tiến triển mạn tính do nhiều nguyên nhân như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận. CKD trải qua 5 giai đoạn theo mức lọc cầu thận (GFR), giai đoạn cuối dẫn đến suy thận giai đoạn cuối (ESRD) cần lọc máu chu kỳ hoặc ghép thận.
3.2. Sỏi thận
Sỏi thận hình thành từ sự kết tinh của các chất khoáng trong nước tiểu. Sỏi có thể gây đau dữ dội khi di chuyển trong đường tiết niệu. Nếu không được điều trị, sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn, nhiễm trùng, hoặc tổn thương thận cấp.
3.3. Viêm cầu thận
Là tình trạng viêm các đơn vị lọc của thận, có thể do nguyên nhân nhiễm khuẩn, tự miễn hoặc độc chất. Triệu chứng có thể gồm phù, tăng huyết áp, đạm niệu hoặc tiểu máu. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, sinh hóa và sinh thiết thận khi cần.
3.4. Bệnh thận đa nang
Là bệnh di truyền trội gây hình thành nhiều nang ở cả hai thận, dẫn đến phì đại thận và giảm chức năng lọc. Bệnh tiến triển âm thầm và có thể dẫn đến ESRD.
3.5. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Nhiễm trùng ở bàng quang hoặc niệu đạo, nếu không điều trị triệt để có thể lan lên gây viêm thận - bể thận, dẫn đến suy thận cấp hoặc mạn. Triệu chứng thường gặp gồm tiểu buốt, tiểu máu, sốt, đau hông lưng.
Thận là cơ quan thiết yếu tham gia vào nhiều quá trình sinh lý quan trọng. Bệnh lý thận, đặc biệt là bệnh thận mạn, thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Việc áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt các bệnh lý nền và thực hiện tầm soát định kỳ sẽ góp phần làm chậm tiến triển và giảm gánh nặng bệnh thận trên toàn dân số.