Kiểm soát tình trạng viêm và dự phòng tổn thương khớp là 2 mục tiêu chính khi điều trị viêm khớp vẩy nến. Khi bạn cố gắng thực hiện được 2 mục tiêu này, bạn cũng sẽ cảm thấy ít bị đau hơn và có thể tận hưởng được từng ngày trôi qua một cách dễ dàng hơn.
Để làm giảm tình trạng viêm khớp vẩy nến, điều quan trọng là phải tuyệt đối tuân thủ kế hoạch điều trị. Tuy nhiên, rất nhiều người lại vô tình làm giảm hiệu quả của việc điều trị bằng những việc làm tưởng chừng như vô hại, ví dụ như không thường xuyên luyện tập thể thao. Để luôn ở trong trạng thái tốt nhất và đảm bảo rằng hiệu quả điều trị luôn cao nhất, bạn hãy cố gắng tránh không mắc phải 9 sai lầm dưới đây trong khi đang điều trị viêm khớp vẩy nến:
Một số người sẽ tiết kiệm/để dành thuốc và đợi cho đến khi họ thực sự cần uống thuốc. Họ nghĩ rằng, nếu họ bắt đầu sử dụng thuốc quá sớm, thcuốc sẽ mất tác dụng. Nhưng điều đó không đúng. Bắt đầu điều trị sớm sẽ giúp bạn đạt được lợi ích tối ưu nhất từ việc dùng thuốc.
Vì các thuốc điều trị viêm khớp vẩy nến có thể sẽ rất có hiệu quả, nên một số người cho rằng họ sẽ không cần phải uống thuốc nữa sau khi họ nhận thấy có những cải thiện đáng kể về mặt triệu chứng. Họ cho rằng họ có thể tiếp tục sống tốt mà không cần tiếp tục dùng thuốc và họ cũng không thích bị coi là những bệnh nhân đang phải điều trị. Tuy nhiên, việc bỏ thuốc hoặc ngừng thuốc thường xuyên có thể dẫn đến các đợt bùng phát viêm khớp vẩy nến và đôi khi, sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn so với việc kiểm soát bệnh nếu dùng thuốc đúng chỉ định.
Các phương pháp điều trị viêm khớp vẩy nến, ví dụ các thuốc chống thấp khớp hạ giảm bệnh (DMARDs), cần phải được uống đúng như chỉ định của bác sỹ, đặc biệt là trong trường hợp bạn sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc ví dụ như các thuốc DMARD sinh học (như thuốc ức chế TNF) và các dạng thuốc DMARD khác (như methotrexate). Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị của bác sỹ sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ nhiễm trùng và các ảnh hưởng tiêu cực khác. Một điều nữa cũng cần chú ý khi đang sử dụng các thuốc DMARDs đó là nên tránh tiêm vaccine, bởi vaccine có thể quá mạnh và khiến hệ miễn dịch của bạn không thể xử lý được.
Có khoảng một phần ba số người Mỹ đang dùng thực phẩm bổ sung, nhưng có một số loại thực phẩm bổ sung có thể sẽ gây ra tương tác với các loại thuốc mà bác sỹ kê cho bạn. Do vậy, bạn nên thường xuyên trao đổi về các tương tác có thể xảy ra giữa thuốc điều trị và loại thực phẩm bổ sung/thực phẩm chức năng mà bạn định dùng trước khi thực sự bắt đầu sử dụng, để đảm bảo rằng sẽ không có bất cứ tương tác có hại nào xảy ra, ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị viêm khớp vẩy nến của bạn.
Để kiểm soát được bệnh viêm khớp vẩy nến, một việc làm rất cần thiết là phải tránh gây tổn thương các khớp. Do vậy, việc nói với bác sỹ về tất cả các triệu chứng mà bạn gặp phải là rất quan trọng. Bác sỹ sẵn sàng giúp bạn giải quyết tất cả những vấn đề mà bạn gặp phải, nhưng với điều kiện là họ phải biết đến những vấn đề đó. Nếu bạn nhận thấy có bất cứ thay đổi nào trong các triệu chứng bệnh hoặc có triệu chứng mới xuất hiện hay có bất cứ vấn đề gì khiến bạn không thoải mái, hãy thông báo cho bác sỹ biết ngay để có cách giải quyết sớm.
Luyện tập, phối hợp với việc dùng thuốc sẽ giúp bạn chống lại được các triệu chứng của bệnh viêm khớp vẩy nến trong thời gian dài. Mặc dù đúng là việc nghỉ ngơi là rất quan trọng để kiểm soát viêm khớp vẩy nến, nhưng lối sống quá tĩnh tại có thể sẽ khiến tình trạng đau, mệt mỏi và cứng khớp trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, những người bị viêm khớp vẩy nến thường xuyên luyện tập với mức độ vừa phải và có giấc ngủ điều độ sẽ ít bị trầm cảm và mệt mỏi hơn những người khác.
Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ đáp ứng với điều trị kém. Trong một nghiên cứu trên 1.400 người bị viêm khớp vẩy nến xuất bản năm 2014 trên tạp chí Annals of the Rheumatic Diseases, những người hút thuốc là có kết quả điều trị kém hơn so với những người không hút thuốc.
Những người phải chung sống với các bệnh mãn tính thường dễ bị trầm cảm hơn – đó là một điều hết sức bình thường. Trầm cảm có thể sẽ khiến bạn có những cảm xúc tiêu cực; và những người bị bệnh viêm khớp vẩy nến có tỷ lệ bị trầm cảm cao hơn so với quần thể dân số nói chung, theo như một nghiên cứu xuất bản năm 2014 trên Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology. Các đợt bệnh bùng phát có thể sẽ không thể dự đoán trước được, cùng với đó là cảm giác đau đớn khiến người bệnh không thể thực hiện được các công việc mà họ yêu thích. Trầm cảm sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn và nếu trầm cảm dẫn đến các hành vi tiêu cực như lạm dụng rượu bia, thì bạn có thể sẽ không tuân thủ được chặt chẽ kế hoạch điều trị mà bác sỹ đề ra. Do vậy, đừng nên coi thường các triệu chứng trầm cảm. Hãy luôn cho bác sỹ biết bạn cảm thấy như thế nào.
Cố gắng đi khám đúng hẹn, tiến hành các xét nghiệm và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Lờ đi tình trạng bệnh tật của mình, ngược lại sẽ dẫn đến kết quả điều trị kém hơn và có thể gây tổn thương khớp, thậm chí là tàn tật.Cố gắng duy trì tình trạng sức khỏe tốt trong khi bạn đang bị bệnh mạn tính sẽ khiến bạn tiêu tốn khá nhiều năng lượng và có thể sẽ trở thành thử thách lớn với nhiều người vốn đã mang bệnh trong người. Nhưng việc cố gắng để duy trì sức khỏe và tuân thủ điều trị là một việc rất đáng để làm. Bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đang là ít bị đau hơn, khớp ít bị tổn thương hơn cùng với đó là những đợt thuyên giảm triệu chứng bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh