✴️ Phẫu thuật hợp nhất đốt sống điều trị vẹo cột sống

Nội dung

Vẹo cột sống là thuật ngữ y học chỉ tình trạng cột sống cong qua 1 bên. Phẫu thuật hợp nhất đốt sống (SFS) kết hợp hai hoặc nhiều đốt sống lại với nhau để giúp làm thẳng cột sống và phòng ngừa vẹo tiến triển thêm.

Hầu hết bệnh nhân vẹo cột sống thường không cần phải phẫu thuật, và nhiều trường hợp cũng không cần phải điều trị. Các bác sĩ thường sẽ chỉ phẫu thuật cho những trường hợp vẹo nặng hoặc những bệnh nhân vẹo từ ngay khi sinh ra. Nếu không được điều trị, các trường hợp này sẽ tiến triển thêm và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như đau mạn tính, giảm tầm vận động, và tổn thương ở phổi và tim.

Bài viết sẽ mô tả những tác động của phẫu thuật SFS đến tình trạng vẹo cột sống, thời điểm phẫu thuật và liệu nó có phải là lựa chọn điều trị an toàn và hiệu quả không. Bài viết còn cung cấp thêm thông tin về thủ thuật, cách chuẩn bị và giai đoạn phục hồi. Cuối cùng, bài viết sẽ liệt kê một vài biện pháp điều trị thay thế dành cho vẹo cột sống.

 

TÁC ĐỘNG CỦA SFS ĐẾN VẸO CỘT SỐNG

Cột sống được cấu tạo bởi các xương riêng lẻ gọi là đốt sống. Cột sống nâng đỡ thân trên và bảo vệ tủy sống cùng các rễ thần kinh.

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang 1 bên. SFS là phẫu thuật hợp nhất nhiều đốt sống lại thành 1 xương độc nhất. Thủ thuật này sẽ làm giảm được độ vẹo, ngăn chặn vẹo tiến triển.

Phẫu thuật SFS không phải lúc nào cũng chỉnh sửa lại được tình trạng vẹo cột sống nhưng thường có thể làm giảm độ vẹo xuống đến 25 độ hoặc thấp hơn. Mức độ mà bác sĩ có thể chỉnh được tùy thuộc vào độ dẻo dai của cột sống.

Một nghiên cứu năm 2015 nhận thấy rằng không có bất kỳ thử nghiệm lâm sàng nào gần đây thực hiện so sánh SFS với các loại điều trị khác cho vẹo cột sống. Điều này gợi ý được rằng hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chắc chắn mức độ hiệu quả của SFS so với các loại điều trị khác.

 

KHI NÀO ĐƯỢC KHUYẾN CÁO THỰC HIỆN

Các bác sĩ thường thực hiện SFS cho những bệnh nhân bị vẹo cột sống trên 40 độ. Khoảng 0.1% dân số bị vẹo cột sống trên 40 độ nên phẫu thuật cũng thường hiếm khi được thực hiện.

Phẫu thuật có mức độ thành công cao. Tuy nhiên, mặc dù biến chứng phẫu thuật thấp, có biến chứng cũng có thể rất nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ cũng như những lợi ích của phẫu thuật này.

 

CÓ ĐÁNG THỰC HIỆN KHÔNG?

Vẫn còn rất ít các bằng chứng khoa học để có thể quyết định được bệnh nhân có nên thực hiện phẫu thuật SFS hay không.

Một nghiên cứu năm 2018 về phẫu thuật kết hợp đốt sống thắt lưng không tìm thấy được bằng chứng nào để ủng hộ cũng như bác bỏ các lợi ích của SFS trong điều trị vẹo cột sống hoặc các bệnh lý khác. Tương tự, một nghiên cứu năm 2015 nhận thấy rằng không có một nghiên cứu nào gần đây so sánh biện pháp kết hợp đốt sống với các điều trị can thiệp khác của vẹo cột sống.

Dù vậy, các bác sĩ cũng sẽ có thể khuyến cáo thực hiện phẫu thuật ở những bệnh nhân bị vẹo cột sống nặng. Nguyên nhân là do những trường hợp đó có nguy cơ gây liệt rất cao, và gây ra các vấn đề như:

  • Vẹo càng ngày càng nhiều
  • Đau lưng
  • Đau thần kinh
  • Vấn đề vận động
  • Tổn thương hệ tim mạch và hô hấp
  • Khó thở

Các biến chứng nghiêm trọng thường hay gặp hơn ở những trường hợp bị vẹo cột sống từ nhỏ hoặc do biến chứng của các bệnh khác.

 

NGUY CƠ

Hầu hết các trường hợp SFS đều thành công và không bị biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có một vài nguy cơ như:

  • Nhiễm trùng
  • Chảy máu nhiều
  • Phẫu thuật không hiệu quả
  • Tổn thương tủy sống và đốt sống
  • Đau mạn tính
  • Mất vận động đốt sống
  • Tổn thương thần kinh
  • Tử vong

Theo một nghiên cứu năm 2018, tỉ lệ tử vong của những bệnh nhân từng phẫu thuật cột sống thắt lưng từ 2003-2012 là 0.105% đối với kết hợp đơn giản và 0.321% đối với kết hợp phức tạp. Trong những người đã từng thực hiện phẫu thuật thì nam giới, người da đen, và người trên 65 tuổi thường có tỉ lệ tử vong cao hơn.

NGUY CƠ

 

CHUẨN BỊ

Trước phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn. Trong lần đó thì bệnh nhân sẽ được thực hiện các thủ thuật sau:

  • Xét nghiệm máu
  • X quang
  • Xem lại các thuốc đang sử dụng
  • Xem lại tiền căn bệnh lý cũng như các loại phẫu thuật đã từng được thực hiện

Đêm trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần tránh ăn uống, nên thực hiện theo hướng dẫn nhịn ăn của bác sĩ.

Vào ngày phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ thăm khám cho bệnh nhân. Trước khi khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ gây mê sẽ cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc để giúp bệnh nhân ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.

 

THỦ THUẬT

Trong quá trình thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ cắt vào vào phần lưng bằng dao mổ xuyên qua các lớp da và cơ. Bác sĩ sẽ tách các lớp cơ ra để tiếp cận đến cột sống.

Sau đó một mảnh ghép xương nhân tạo sẽ được đưa vào gắn với cột sống. Mảnh ghép được đặt ở giữa các thân sống cần được kết hợp. Theo thời gian, cột sống và mảnh ghép sẽ hợp nhất lại với nhau. Bác sĩ sẽ đặt vào các thanh kim loại để cố định cột sống cho đến khi xương hợp nhất lại với nhau.

Phẫu thuật thường kéo dài 4-8 tiếng hoặc đôi khi lâu hơn. Bệnh nhân có thể được cho gây tê màng cứng để giảm đau sau mổ. Sau đó bệnh nhân sẽ tỉnh dậy tại phòng hồi tỉnh và sẽ không có bất kì ký ức gì về cuộc mổ.

 

HỒI PHỤC

SFS là một đại phẫu, do đó bệnh nhân sẽ có cảm giác đau sau khi mổ. Thường thì bệnh nhân cần phải ở lại bệnh viện trong vòng vài ngày để theo dõi.

Bệnh nhân thường có thể đi lại ngay sau khi mổ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tránh khiêng vác vật nặng và các hoạt động thể lực nặng trong vòng 6 tháng sau khi thực hiện phẫu thuật. Một số bệnh nhân sẽ cần được vật lý trị liệu để hỗ trợ cho quá trình hồi phục, và hầu hết sẽ cần phải uống thuốc giảm đau.

Sau phẫu thuật, vị trí kết hợp ở vùng lưng sẽ trở nên cứng lại nhưng không cứng đến mức gây cản trở vận động bình thường. Ngoài thay đổi này ra, phẫu thuật thường không gây ra những giới hạn vận động kéo dài.

 

NHỮNG BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ VẸO CỘT SỐNG KHÁC

Vẹo cột sống nhẹ đến vừa thường không cần điều trị. Thay vào đó, bác sĩ sẽ theo dõi vị trí vẹo để kiểm tra xem có thay đổi nào hay tình trạng có xấu hơn không.

Phẫu thuật không phải là lựa chọn điều trị duy nhất và có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Các biện pháp khác bao gồm:

  • Massage làm giảm đau lưng
  • Tập các bài thể dục để làm dãn và củng cố sức mạnh cho lưng, ví dụ như yoga và pilate
  • Vật lý trị liệu để cải thiện chức năng
  • Các liệu pháp thay thế khác, ví dụ như nắn khớp xương và châm cứu
  • Các loại phẫu thuật khác, ví dụ như nối xương

Tuy nhiên, vật lý trị liệu, yoga, pilate, nắn khớp xương và châm cứu không đưuọc các nghiên cứu nào ủng hộ về mức độ hiệu quả của chúng đối với điều trị vẹo cột sống.

Mang nẹp là một trong những biện pháp điều trị thường gặp nhất dành cho những trường hợp ít nghiêm trọng nhưng cần được điều trị. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có hiệu quả đối với những bệnh nhân còn đang phát triển.

 

TÓM TẮT

Vẹo cột sống là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trong cong sang một bên của cột sống. Độ cong của cột sống có thể nhẹ hoặc nặng. Các trường hợp nhẹ thường không cần phải điều trị. Tuy nhiên, các trường hợp nặng thường gây đau và liệt và có thể gây ra các biến chứng sức khỏe khác.

Phẫu thuật kết hợp cột sống thường hợp nhất hai hay nhiều đốt sống lại với nhau để điều trị vẹo cột sống. Các bác sĩ thường chỉ dùng biện pháp này để điều trị cho những bệnh nhân vẹo nặng. Mục tiêu của biện pháp là để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào so sánh biện pháp kết hợp cột sống với những biện pháp can thiệp khác dành cho điều trị vẹo cột sống, và bác sĩ không thể chắc chắn được liệu biện pháp này có tốt hơn những biện pháp khác không.

Phẫu thuật vẹo cột sống không phải là không có biến chứng. Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ và lợi ích trước khi quyết định xem có nên tiếp tục thực hiện hay không. Bệnh nhân cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ về các phương pháp điều trị khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top