Tại sao cần đo mật độ xương?

Đa số các trường hợp loãng xương không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi xảy ra tình trạng gãy xương. 

Nguyên nhân gây loãng xương

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương, xương bị suy yếu cấu trúc và giảm khối lượng dẫn đến xương mỏng, xốp và dễ gãy.

Thông thường, trước năm 30 tuổi, quá trình tạo xương sẽ diễn ra mạnh hơn phá hủy nên xương phát triển và mạnh khỏe. Sau năm 30 tuổi, quá trình tu sửa xương vẫn diễn ra nhưng sự tạo xương chậm lại dẫn đến xương bị suy yếu, mỏng và xốp hơn. Nếu một người khi còn trẻ có được khối lượng và cấu trúc xương tốt thì sẽ ít có nguy cơ bị loãng xương hơn khi về già.

Bên cạnh đó, các khoáng chất có trong xương, các hormone nội tiết tố và các cytokin cũng là các yếu tố quyết định hoạt động của chu chuyển xương và mật độ xương.

Nếu canxi và các khoáng chất trong xương không đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến mật độ và sức mạnh của xương. Hormone estrogen (nội tiết tố nữ) và androgen (nội tiết tố nam) thấp sẽ làm tăng quá trình mất xương. Đó là lý do phụ nữ mãn kinh sớm, nam giới bị thiểu năng sinh dục có nguy cơ cao bị loãng xương.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương như:

- Tình trạng thiếu canxi và vitamin D có nguy cơ loãng xương hơn người khác.

- Người thường xuyên hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu bia có nguy cơ loãng xương sớm hơn.

- Suy dinh dưỡng hoặc ăn uống thiếu chất có nguy cơ loãng xương;

- Ít vận động có nguy cơ loãng xương;

- Một số người mắc một số bệnh suy giảm tuyến sinh dục nam & nữ như: suy buồng trứng sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…cũng có nguy cơ loãng xương.

- Người cần sử dụng dài hạn các thuốc corticosteroid, heparin, phenyltoin có nguy cơ loãng xương.

 

Tại sao cần đo mật độ xương?

Đo mật độ xương hay đo loãng xương là kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA hay DXA), hay chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương. Những khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hoặc xương cẳng tay.

Phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép (DXA) được chứng minh có tính chính xác để đánh giá mật độ xương tại các vị trí: Cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, cổ tay và toàn thân. Đây là "tiêu chuẩn vàng" để chẩn đoán và quản lý cũng như theo dõi đáp ứng của các biện pháp điều trị loãng xương và các tình trạng bất thường mật độ xương khác.

Ngoài ra, DXA còn sử dụng để đo khối lượng nạc, khối lượng mỡ của cơ thể.

Câu hỏi nhiều người thắc mắc tại sao cần đo mật độ xương?, thực tế có thấy, mục đích thực hiện xét nghiệm mật độ xương là sớm phát hiện loãng xương và mất xương (giảm khối lượng xương) để có hướng tư vấn dự phòng và điều trị càng sớm càng tốt, giúp ngăn ngừa giảm nguy cơ biến chứng gãy xương do loãng xương. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra những trường hợp khám định kỳ, có những vấn đề nghi ngờ các bác sĩ sẽ chỉ định đo mật độ xương, bao gồm:

- Người cao tuổi (đặc biệt là những người trên 65 tuổi, cả nam và nữ)

- Phụ nữ từ 45-50 tuổi, người có xương nhỏ có nguy cơ cao đối với loãng xương.

- Phụ nữ sau mãn kinh. Mãn kinh sớm hoặc tắt kinh trước thời ký mãn kinh càng làm tăng nguy cơ mắc loãng xương.

- Thiểu năng tuyến sinh dục, cường giáp tiến triển, cường vỏ thượng thận, và cường giáp tiên phát.

- Thói quen sinh hoạt: thường ăn thức ăn có ít canxi hoặc vitamin D hay thiếu cả hai; ít vận động và ít tập thể dục, nghiện rượu, hút thuốc.

- Các bệnh mãn tính và dùng thuốc điều trị: Một số loại thuốc có thể làm tổn thương xương và dẫn đến "loãng xương thứ cấp". Những thuốc có thể gây tác dụng phụ này như thuốc điều trị rối loạn nội tiết (điều trị ưu năng tuyến giáp trạng), thuốc điều trị suy tủy, rối loạn collagen, bệnh dạ dày ruột. Dùng các glucocortocoid trong thời gian dài để chữa các bệnh hen, viêm khớp có thể làm tổn thương xương. Vì vậy bệnh nhân loãng xương đang điều trị các bệnh này phải hỏi ý kiến bác sỹ để cân nhắc tình trạng của mỗi bệnh.

- Bệnh nhân sau phẫu thuật xương khớp.

- Bệnh nhân cơ nghi ngờ lún xẹp đốt sống, giảm chiều cao, gù vẹo đốt sống.

 

Chỉ số kết quả đo mật độ xương cần quan tâm

Kết quả đo mật độ xương được so sánh với 2 chỉ số đó là: chỉ số T-score và Z-score… sẽ xác định mật độ khoáng xương của cơ thể có đang trong tình trạng suy yếu.

Đầu tiên, kết quả mật độ khoáng chất của xương (BMD) của bạn được so sánh với kết quả BMD của người trưởng thành khỏe mạnh cùng giới tính và dân tộc. Độ lệch chuẩn (SD) chính là sự khác biệt giữa mật độ xương của bạn với người 25-35 tuổi khỏe mạnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đo mật độ xương tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo phương pháp DXA:

+ Nếu xương bình thường: T-score từ – 1SD trở lên.

+ Nếu thiếu xương (Osteopenia): T-score dưới – 1SD đến – 2,5SD.

+ Nếu loãng xương (Osteoporosis): T score ≤ – 2,5SD.

+ Nếu loãng xương nặng: T-score ≤ – 2,5 SD kèm tiền sử/ hiện tại có gẫy xương.

Ngoài chỉ số T-score, mật độ xương của bạn còn được so sánh với mật độ xương bình thường của người khỏe mạnh cùng độ tuổi (chỉ sô Z-score). Chỉ số Z-score thể hiện mật độ xương của bạn cao hay thấp hơn so với người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc.

Theo đó, Chỉ số Z-score được Hiệp hội Đo mật độ lâm sàng quốc tế (ISCD) đánh giá như sau:

+ Chỉ số Z-score > -2.0: bình thường

+ Chỉ số Z-score = +0.5, -0.5 hay -1.5: phổ biến đối với phụ nữ tiền mãn kinh.

+ Chỉ số Z-score ≤ -2,0: mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi.

 

Tóm lại

Loãng xương là nguyên nhân chính gây gãy xương ở người già, đặc biệt phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Loãng xương không có khởi đầu rõ ràng, thường chỉ được biết đến khi xuất hiện đau lưng, đau cổ tay, khớp gối, gãy cổ xương đùi…. Đo loãng xương nhằm xác định mật độ xương để phòng tránh, điều trị bệnh loãng xương. Kiểm tra sự đáp ứng của việc điều trị loãng xương.

Để bảo vệ sức khỏe bộ xương và đề phòng những mối nguy khác về sức khỏe, chúng ta nên đi khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần. Đặc biệt, với những người tuổi > 50, phụ nữ sau mãn kinh khi thấy có những dấu hiệu đau xương, mỏi khớp hoặc dễ bị gãy rạn xương do va chạm nhẹ cần đi khám ngay bởi những dấu hiệu này có thể là biểu hiện của loãng xương hoặc loãng xương nặng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top