✴️ Vị thuốc Bùng bục

1. Mô tả

  • Bùng bục là một cây nhỡ, cao chừng 1.5-2m, cành non có nhiều lông màu vàng nhạt.
  • Lá mọc so le, phiến lá hình tim, đầu lá dài nhọn, phía cuống tròn hay thẳng góc với cuống, mép nguyên hay hơi thành 3 thùy cắt không sâu, dài rộng chừng 15-18cm, khi còn non mặt dưới có những lông màu vàng nhạt, khi già có thể nhẵn, những cuống dài có phủ lông màu vàng.
  • Hoa khác gốc, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá, hoa đực dài và nhỏ hơn hoa cái. Bông hoa dài tới 20cm.
  • Quả có lông cứng to dài. Hạt màu đen, nhỏ, chỉ lớn hơn đầu đinh ghim một chút.
  • Mùa hoa vào các tháng 4-5 ở miền Bắc, mùa quả vào tháng 8-9.

2. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây bùng bục mọc hoang ở khắp các miền rừng núi nước ta.

Thường ít được dùng, những dân tộc ít người một vài vùng có dùng hạt của nó để ép lấy dầu đặc như sáp dùng thắp đèn hay làm nến.

3. Thành phần hóa học

Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Sơ bộ ta thấy trong hạt bùng bục vó một chất sáp có thể dùng làm nến hay sáp.

4. Vị thuốc Bùng bục

Tính vị: Bùng bục có vị hơi đắng và chát, tính bình.

Tác dụng: Rễ có tác dụng hoạt huyết, bổ vị tràng, thu liễm; lá và vỏ đều có tác dụng tiêu viêm, cầm máu.

5. Công dụng

  • Rễ Bùng bục có tác dụng chữa Viêm gan mạn tính, sưng gan lá lách, Sa tử cung và trực tràng; Huyết trắng, phù thũng khi có thai; Viêm ruột ỉa chảy.
  • Một vài nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào dùng ép hạt dầu để thắp.

Bài thuốc có vị Bùng bục

Viêm gan mạn tính, sưng gan lách: Rễ Bùng bục 15g, rễ Muỗng truổng 30g và rễ Sim 30g, sắc uống, sẽ đỡ nhiều.

Sa tử cung và trực tràng: Rễ Bùng bục 30g, rễ Kim anh 15g, sắc uống.

Băng huyết sau khi đẻ: Vỏ thân khô Bùng bục 15g, phối hợp với thân cây Lấu, rễ Vú bò, cành lá Chua ngút, mỗi vị 12g, sắc uống, khá hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top