Thoái hóa khớp do bẻ khớp ngón tay

Không chỉ tuổi tác mà chính thói quen sinh hoạt sai cách cũng gây hại đến khớp. Nếu bạn mắc phải những thói quen sinh hoạt sai cách làm tăng nặng bệnh khớp dưới đây thì nên điều chỉnh.

Bệnh xương khớp không chỉ là người già mà người trẻ, thậm chí cả trẻ em cũng mắc phải. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng và đang có xu hướng trẻ hóa. Ngoài nguyên nhân tuổi tác, sự thay đổi thời tiết thì cũng do thói quen sinh hoạt sai cách làm tăng bệnh khớp, làm tổn thương sụn.

Để phòng ngừa và hạn chế các cơn đau do thoái hóa khớp trong sinh hoạt cũng như ăn uống, các chuyên gia khuyên mọi người cần thay đổi thói quen sinh hoạt sai cách làm tăng nặng bệnh khớp dưới đây:

Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý

Nhiều người lầm tưởng chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến hệ xương khớp nhưng đây lại là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Những thực phẩm gây mất can xi là thực phẩm nhiều đạm như thịt; phủ tạng, muối, đường, nước uống có ga… cần hạn chế.

Cũng không nên uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất nicotine có trong thuốc lá làm hạn chế khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của đĩa đệm, cản trở chất dinh dưỡng đến các khớp và các cơ, đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm, ảnh hưởng xấu đến cột sống và gây đau lưng.

 

Bẻ khớp

Nhiều người có thói quen bẻ các khớp ngón tay, ngón chân, khớp cổ hoặc vặn lưng khi mỏi. Đây là thói quen sinh hoạt sai cách làm tăng nặng bệnh khớp nhiều người vẫn mắc.

Khi bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ, các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động dễ gây tổn thương, phá hủy các cấu trúc sụn khớp, cấu trúc dây chằng xung quanh khớp nên rất có hại cho khớp. Khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng khớp, to khớp ở vùng các ngón tay hay thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng…

 

Ngồi làm việc quá lâu trong văn phòng

Điều này khiến cho nhiều bộ phận trên cơ thể rất dễ bị thoái hóa chứ không riêng gì xương khớp. Thói quen ngồi lâu, liên tục trên 2 giờ làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống khiến chúng ta có tư thế khòm lưng và cúi ra trước làm căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau đốt sống. Từ đó sẽ gây đau và nếu kéo dài sẽ làm cột sống không vững dẫn đến tổn thương các đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống.

Do đó, nên hạn chế ngồi làm việc lâu quá 2 giờ. Mọi người nên nghỉ giải lao 5-10 phút sau khoảng 45- 60 phút ngồi làm việc, tranh thủ đi lại, tập thể dục, đi bộ, tập các bài tập đơn giản về cơ cột sống sẽ giúp phòng ngừa đau thắt lưng và mỏi mệt.

Ngoài ra, duy trì lối sống năng động rất quan trọng để có sức khỏe tốt. Nên chọn một môn thể thao yêu thích và kiên trì thực hiện nó đều đặn…

 

Ngồi không đúng tư thế

Tư thế ngồi không đúng cũng làm gia tăng áp lực tới các khớp xương, lâu ngày có thể là nguyên nhân góp phần gây ra bệnh về khớp. Tránh các tư thế xấu như ngồi xổm, ngồi vẹo, hay tránh mang vác vật nặng… là những tư thế xấu khiến khớp gối, cột sống, vai gáy bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể khi ngồi phải giữ cho lưng thẳng, đầu và vai hơi ngả về phía sau và thả lỏng.

Thói quen gập ngang hông lưng quá 90 độ cũng không tốt. Hệ thống dây chằng phía sau căng quá mức có thể bị rách, đĩa đệm chịu lực quá mức có thể lồi ra phía sau gây thoát vị đĩa đệm.

 

Tập luyện quá sức

Khi các nhóm cơ làm việc quá tải sẽ yếu, không giữ vững được các cấu trúc như cột sống, khớp gối, cổ chân dễ gây chấn thương do ngã và tổn hại đến hệ khớp.

Các chuyên gia nhấn mạnh, bệnh lý về khớp là bệnh mạn tính, kéo dài. Khi có dấu hiệu đau các khớp cần đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần lưu ý thăm khám đúng định kỳ và duy trì sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ. Không tự động bỏ điều trị, ngay cả các trường hợp bệnh ổn định.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top