✴️ Viêm khớp bả vai: Có khó điều trị không?

1. Tìm hiểu về bệnh viêm khớp bả vai

Xương bả vai nằm ở vị trí lưng trên, hình tam giác nối xương cánh tay trên với xương đòn và thành ngực, chịu trách nhiệm chính trong các chuyển động của vai. Do phạm vi hoạt động của vai rộng nên rất dễ bị tổn thương, gây cảm giác đau nhức, khó chịu. Nếu không điều trị sớm bệnh sẽ phát triển thành viêm. 

 

1.1. Lý do gây bệnh viêm khớp bả vai

Nhìn chung, viêm đau xương khớp bả vai do nhiều yếu tố khác nhau tác động lên thành xương. Việc xác định rõ nguyên nhân phát sinh bệnh sẽ giúp bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Các chuyên gia y tế đã chia ra 2 lý do chính gây nên bệnh, đó là:

Do yếu tố chấn thương vật lý tác động: Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều do hệ quả căng cơ hoặc chấn thương tác động trực tiếp lên bả vai. 

– Tai nạn giao thông

– Chấn thương do chơi thể thao

– Chấn thương do bê, mang vác vật nặng

– Căng cơ do ngủ sai tư thế

Do chịu ảnh hưởng của một số bệnh lý: Đôi khi viêm đau khớp bả vai lại là một triệu chứng lâm sàng của các bệnh lý khác. Nguyên nhân này nghiêm trọng hơn so với chấn thương và khó điều trị hơn.

– Thoái hóa xương khớp do tuổi cao: Khi bước sang giai đoạn 40 tuổi trở đi, hệ thống xương khớp trong cơ thể chúng ta bắt đầu lão hóa dần. Quá trình tái tạo tế bào xương suy giảm và thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.

– Trượt đĩa đệm

– Sang chấn khớp vai: gãy xương, trật khớp vai, giãn dây chằng…

– Loãng xương

– Cong vẹo cột sống

– Hẹp ống sống

– Đau cơ xương hóa

Chấn thương vật lý là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh

 

1.2. Một số biểu hiện của viêm khớp bả vai

Trường hợp người bệnh không biết rõ cụ thể nguyên nhân vì sao mình bị đau bả vai, bạn có thể dựa vào các biểu hiện lâm sàng của bệnh để đến gặp bác sĩ tư vấn và điều trị.

– Đau dữ dội ở cả 2 bả vai, đau lan qua các khu vực lân cận

– Biến dạng khớp vai

– Cơn đau thường xảy ra vào ban đêm và những lúc nghỉ ngơi

– Đau nhiều hơn khi hoạt động tay

– Sưng tím quanh bả vai hoặc cánh tay

– Sưng nóng đỏ phần vai

– Sốt

– Một số biểu hiện đi kèm: đau bụng, khó thở, nhịp tim tăng dần theo cơn đau

 

2. Điều trị viêm khớp bả vai như thế nào

Viêm xương bả vai không phải là bệnh quá nguy hiểm và bệnh hoàn toàn có thể tự điều trị ở nhà (dựa vào tư vấn, tham khảo của bác sĩ). Đối với trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng:

– Chườm vai: Chườm lạnh giúp giảm tình trạng đau nhức. Chườm nóng lại giúp lưu thông máu và giãn không gian ở khớp vai. Lưu ý chỉ tiến hành chườm nóng khi không đi kèm biểu hiện sưng đỏ và nên thực hành trước khi đi ngủ.

– Nghỉ ngơi đúng cách: Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để bả vai được thư giãn và có khoảng thời gian hồi phục. Như vậy bả vai sẽ bớt sưng tấy và giảm đau.

– Vật lý trị liệu

– Tập các bài tập nhẹ như duỗi cơ vai, ngực,…

Đối với trường hợp bệnh nặng hơn cần có sự can thiệp chuyên sâu để khắc phục. Tùy vào trường hợp bệnh, bác sĩ có thể chỉ định:

– Sử dụng thuốc

– Phẫu thuật: thường là phẫu thuật nội soi khớp vai. Bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi dài mảnh vào vùng vai để dễ dàng quan sát toàn bộ bả vai. Sau đó sẽ rạch vết nhỏ để điều trị.

Tất nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vẫn là biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo thể trạng sức khỏe tốt nhất. Bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để bảo vệ bả vai của mình.

– Trước khi chơi thể thao nên tập một số động tác để khởi động, giãn cơ.

– Không luyện tập thể thao ở cường độ cao trong thời gian dài.

– Có chế độ dinh dưỡng khoa học: bổ sung canxi, vitamin D trong các thực phẩm cá, trứng, sữa, đậu phụ, sữa, nấm,… giúp duy trì cơ xương khớp chắc khỏe.

– Tập thể dục thường xuyên để dẻo dai xương cốt

– Khám sức khỏe chuyên khoa cơ xương khớp định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể, từ đó điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top