✴️ Viêm khớp vai có chữa trị dứt điểm được không?

1. Viêm khớp vai: Nguyên nhân và các triệu chứng

Khớp vai là một trong những khớp lớn của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt, cử động của cơ thể. Do đó, khớp vai rất dễ bị đau và tổn thương nếu gặp các chấn thương vật lý. Viêm đau khớp vai được xem là bệnh lý phổ biến.

 

1.1. Viêm khớp vai là do đâu?

Hiện nay, giới y tế chưa khẳng định chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh viêm đau khớp vai, có thể là do các yếu tố dưới đây tác động.

– Do tính chất công việc: Những đối tượng thuộc tầng lớp lao động thường xuyên phải làm việc nặng nhọc, mang vác nặng trên vai thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cao nhất.

– Do hoạt động sai tư thế: Thói quen xấu như chống khuỷu tay lên bàn, đeo balo nặng,… làm chèn ép lên dây thần kinh gây sưng viêm vai.

– Do chơi thể thao: Các hoạt động thể thao nhiều, không có thời gian cho khớp hồi phục hoặc các động tác thể thao thực hiện sai cách dễ dẫn tới giãn cơ, căng cơ, đau khớp.

– Do stress, căng thẳng kéo dài: Khi áp lực, căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới tình trạng căng cơ, co cơ và gây ra đau đớn ở cả 2 bả vai.

– Do bệnh lý: Đau khớp vai còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm mà người bệnh nên lưu ý như: viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, các bệnh về phổi (viêm phổi, lao phổi,…).

Tổn thương khớp vai có thể dẫn đến viêm nhiễm sâu

 

1.2. Biểu hiện của viêm khớp vai

Mỗi một nguyên nhân gây bệnh mà có những biểu hiện lâm sàng khác nhau ở từng người mắc bệnh. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến ở người bị viêm xương khớp vai:

– Đau khi cử động vai và cánh tay.

– Đau sâu trong khớp vai, ở sau vai hoặc trước vai.

– Có khả năng bị trật khớp.

– Vai yếu, cánh tay theo đó cũng yếu, giảm cử động.

– Cảm giác kim châm, ngứa râm ran hoặc đau rát.

– Cơn đau xuất hiện đột ngột và tăng dần lên nếu đè lên cánh tay, cẳng tay.

– Có thể nghe thấy tiếng răng rắc khi vận động do các gân cơ chóp xoay đứt đột ngột.

– Đau có thể tăng dần khi về đêm.

 

1.3. Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm ở khớp vai?

Dưới đây là những đối tượng dễ mắc bệnh viêm đau xương khớp vai:

– Người có tiền sử chấn thương ở vùng khớp vai.

– Đối tượng từng có tiền sử gãy xương cánh tay, xương đòn và xương bả vai.

– Tiền sử từng phẫu thuật vùng khớp vai hoặc nắn gãy các xương liên quan đến khớp vai.

– Người mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, đột quỵ não.

 

2. Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay

Viêm khớp vai không phải là bệnh nghiêm trọng, có thể tự khỏi, nhưng các triệu chứng của nó khiến người bệnh khó chịu và phải chịu đựng cơn đau dai dẳng nếu không được khắc phục ngay. Do đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

 

2.1. Điều trị nội khoa

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau, giảm sưng và kháng viêm cho bệnh nhân. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị các bệnh xương khớp, mà chỉ có thuốc làm giảm các triệu chứng. Bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng đơn thuốc của bác sĩ để không bị tác dụng phụ hoặc làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.

 

2.2. Vật lý trị liệu

Các bài tập giúp khôi phục cử động khớp, tìm lại sự linh hoạt giữa các khớp, tránh tình trạng dính khớp, bó chặt khớp. Một điều lưu ý là các bài tập cần có giám sát của chuyên gia trị vật lý để đảm bảo bạn không bị tập sai tư thế, dẫn đến làm trầm trọng cơn đau các khớp. Một số bài tập được áp dụng để trị viêm xương bả vai, đó là:

– Tư thế xỏ kim

– Tư thế con bò

 

2.3. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật được chỉ định khi các biện pháp trên không đạt được hiệu quả và triệu chứng của bệnh nhân không có dấu hiệu giảm. Sau phẫu thuật, người bệnh nên tái khám định kỳ 1 – 3 tháng để bác sĩ theo dõi tiến độ phục hồi.

Theo đó, bác sĩ cũng khuyên mọi người nên lưu ý một số điều sau để tránh mắc bệnh viêm xương khớp bả vai:

– Tránh làm việc quá sức.

– Không nên mang vác vật nặng.

– Sinh hoạt khoa học, tập thể dục đều đặn.

– Khám sức khỏe định kỳ chuyên khoa cơ xương khớp để phát hiện sớm những dấu hiệu tổn thương của khớp và điều trị kịp thời.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết về bệnh viêm khớp vai để có phương pháp điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top