✴️ Capsaicin

Tên chung quốc tế: Capsaicin

Mã ATC: N01B  X04

Loại thuốc: Thuốc giảm đau, dùng ngoài

 

Dạng thuốc và hàm lượng

Kem capsaicin: 0,025%, 0,075%, 0,25% (dùng cho người lớn).

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Capsaicin là hoạt chất chiết từ quả chín khô của một số loài ớt (Capsicum spp.) thuộc họ Cà (Solanaceae).

Tác dụng giảm đau của capsaicin khi bôi tại chỗ được cho là do capsaicin có khả năng làm giảm chất P là một neuropeptid chủ yếu tham gia dẫn truyền các xung động đau từ ngoại vi tới hệ thống thần kinh trung ương. Chất P còn được giải phóng vào các mô khớp, tại đó nó hoạt hoá các chất trung gian của phản ứng viêm liên quan đến bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp. Capsaicin làm cho da và khớp mất cảm giác đau bằng cách làm giảm và ngăn ngừa sự tái tích luỹ chất P tại các tế bào thần kinh cảm giác ngoại vi. Tác dụng giảm đau của capsaicin không xuất hiện ngay mà tuỳ thuộc vào loại đau, sẽ có sau khi bắt đầu dùng thuốc khoảng 1 đến 2 tuần với viêm khớp, 2 đến 4 tuần với đau dây thần kinh, 4 đến 6 tuần với đau dây thần kinh ở đầu và cổ. Tác dụng giảm đau được duy trì khi nào capsaicin còn được dùng đều đặn. Nếu ngừng capsaicin mà đau lại, có thể tiếp tục bôi lại.

Capsaicin không phải là chất gây tê vì thuốc chỉ chẹn dẫn truyền xung động đau do các sợi thần kinh tuý C vận chuyển, còn thuốc tê chẹn xung động của tất cả các nơron về trung tâm nên làm mất tất cả các cảm giác bao gồm sờ, ép nóng và rung,

Capsaicin cũng không phải là thuốc giảm kích ứng truyền thống vì thuốc không gây giãn mạch.

 

Chỉ định

Capsaicin được dùng giảm đau tại chỗ trong các trường hợp đau dây thần kinh như đau sau khi nhiễm Herpes zoster (bệnh Zona) (dùng khi tổn thương đã lành), đau dây thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường; các trường hợp đau do thoái hoá xương khớp, viêm khớp dạng thấp.

Các trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh khác như hội chứng đau sau thủ thuật cắt bỏ vú, hội chứng loạn dưỡng phản xạ giao cảm (hoả thống).

Thuốc còn được dùng điều trị chứng ngứa do tiếp xúc nguồn nước hoặc do thẩm tách máu. Hiệu quả của thuốc trong điều trị ngứa liên quan đến bệnh vảy nến chưa được chứng minh đầy đủ.

 

Chống chỉ định

Có tiền sử mẫn cảm với capsaicin hoặc ớt.

Trẻ em dưới 2 tuổi.

 

Thận trọng

Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt và các vùng da nhạy cảm khác. Nếu thuốc bị dính vào mắt cần rửa sạch bằng nước. Nếu thuốc tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm của cơ thể, rửa sạch bằng nước ấm và xà phòng (không dùng nước nóng). Không bôi thuốc lên lên chỗ da bị trơth loét hay bị viêm tấy. Khi dùng điều trị đau dây thần kinh do Herpes zoster, chỉ bôi thuốc sau khi các tổn thương da đã lành.

Ho, chảy mũi và các biểu hiện kích ứng đường hô hấp có thể xảy ra nếu người bệnh hít phải cặn khô của chế phẩm capsaicin dùng ngoài.

Hiệu quả và độ an toàn của thuốc khi dùng cho trẻ em chưa được xác lập.

Hiện chưa có các nghiên cứu thích hợp về tác dụng của thuốc ở người cao tuổi, tuy nhiên chưa phát hiện tác dụng bất lợi nào của thuốc liên quan đến tuổi bệnh nhân.

 

Thời kỳ mang thai

Hiện chưa ghi nhận tác dụng có hại nào của thuốc khi dùng cho phụ nữ có thai.

 

Thời kỳ cho con bú

Không rõ capsaicin bôi ngoài da có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Hiện chưa ghi nhận tác dụng có hại cho phụ nữ cho con bú và cả cho trẻ bú mẹ.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thuốc không gây tác dụng không mong muốn toàn thân.

Thường gặp, ADR >1/100

Cảm giác nóng, rát, nhức nhối tại chỗ bôi thuốc.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Bệnh nhân có thể bị cảm giác nóng, rát, nhức nhối tại chỗ bôi thuốc, đặc biệt trong vài ngày đầu tiên điều trị. Các cảm giác này xảy ra do tác dụng kích thích khởi đầu của capsaicin đối với sợi C và sự giải phóng chất P, thường sẽ hết sau vài ngày điều trị, nhưng cũng có thể kéo dài từ 2 tới 4 tuần hoặc hơn. Độ ẩm, quần áo, tắm nước nóng, ra mồ hôi có thể làm tăng thêm các cảm giác này. Bệnh nhân cần chú ý không tắm nước nóng ngay trước hoặc sau khi bôi thuốc. Giảm số lần dùng thuốc xuống ít hơn 3 - 4 lần/ngày không làm giảm bớt mà sẽ lại kéo dài thời gian bị các cảm giác nóng rát, đồng thời hạn chế tác dụng giảm đau của thuốc. Dùng thuốc càng kéo dài các cảm giác nóng rát sẽ ít xuất hiện và nhẹ hơn. Việc xuất hiện các cảm giác nóng rát khi bôi thuốc có liên quan đến căn nguyên gây đau ở các bệnh nhân khác nhau, ví dụ bệnh nhân bị viêm khớp thường bị nóng rát nhẹ hơn so với bệnh nhân đau thần kinh ngoại vi.

Các cảm giác khó chịu thường sẽ hết sau vài ngày điều trị. Dùng thuốc càng kéo dài, tần suất và mức độ xuất hiện các cảm giác này càng ít hơn.

Trong 1 - 2 tuần đầu dùng thuốc, có thể bôi kem/mỡ lidocain trước khi bôi capsaicin để làm giảm các cảm giác khó chịu do thuốc gây ra.

 

Liều lượng và cách dùng

Bôi một lớp thuốc mỏng vào nơi cần tác dụng, 3 - 4 lần/ngày. Liều này được khuyến cáo dùng kéo dài để duy trì tác dụng giảm đau. Nếu sau khi ngừng thuốc, đau xuất hiện lại, cần tiếp tục dùng thuốc. Với bệnh nhân bị đau thần kinh do đái tháo đường, dùng thuốc trong 8 tuần, sau đó phải đánh giá lại tình trạng bệnh.

Tránh không bôi thuốc thành lớp dày trên da. Khi bôi, xoa xát kỹ để thuốc ngấm hết vào da. Rửa sạch tay sau khi bôi thuốc. Tuy nhiên nếu cần bôi thuốc ở tay để điều trị viêm khớp, rửa sạch tay sau khi bôi 30 phút. Nếu cần băng kín vùng bôi thuốc, không được băng chặt.

 

Tương tác thuốc

Chưa có thông báo.

 

Độ ổn định và bảo quản

Thuốc bảo quản ở nhiệt độ phòng, từ 15 - 300C. Không để đông lạnh.

 

Quá liều và xử trí

Không có thông tin

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top