✴️ Cisaprid

Tên chung quốc tế: Cisapride.

Mã ATC: A03F A02.

Loại thuốc: Thuốc gây tiết acetylcholin, thuốc tăng vận động dạ dày.

 

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 10 mg, 20 mg.

Hỗn dịch để uống 1 mg/ml (450 ml).

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Cisaprid là một thuốc tăng vận động cơ trơn có cấu trúc hóa học giống metoclopramid. Thuốc có tác dụng tăng cường giải phóng acetylcholin từ đầu tận cùng dây thần kinh sau hạch của đám rối lớp cơ ruột trong cơ trơn đường tiêu hóa và có tính chất đối kháng với thụ thể serotonin 5 - HT3 và là chất chủ vận thụ thể serotonin 5 - HT4. Khác với metoclopramid, cisaprid không có tác dụng trực tiếp tiết acetylcholin, chống tiết dopamin hay không chống nôn và không có ảnh hưởng đến tiết dịch vị hay prolactin huyết thanh. Cisaprid tăng áp lực của cơ thắt thực quản dưới và không giống như metoclopramid, nó kích thích vận động tất cả các phần của đường tiêu hóa, kể cả thực quản và ruột già. Thuốc không có tác dụng lên chức năng dạ dày bình thường và không vượt quá cơ chế nội môi bình thường.

Cisaprid làm tăng nhu động thực quản và trương lực cơ thắt tâm vị ở người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Cũng như metoclopramid, cisaprid tăng cường đẩy thức ăn ra khỏi dạ dày và tăng cường vận chuyển ở ruột từ tá tràng đến van hồi - manh tràng, do tác dụng kích thích cơ trơn của thuốc phối hợp sự vận động của dạ dày, môn vị và tá tràng. Tuy nhiên, không như metoclopramid, cisaprid cũng làm tăng vận động đại tràng và tăng đẩy thức ăn qua manh tràng và đại tràng lên đồng thời có thể làm tăng số lần đại tiện ở cả người khoẻ và người bị táo bón, một phần cũng có thể do thuốc làm giảm trương lực cơ thắt hậu môn.

Dược động học

Cisaprid được hấp thu nhanh sau khi uống, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được sau 1 - 1,5 giờ. Khả dụng sinh học tuyệt đối của cisaprid từ 35 - 40%. Thức ăn làm tăng khả dụng sinh học của thuốc, nhưng không tăng mức độ hấp thu. Có tới 98% cisaprid liên kết với protein huyết tương, chủ yếu với albumin. Thể tích phân bố khoảng 2,4 lít/kg. Ðộ thanh thải là 6,0 lít/giờ. Cisaprid được chuyển hóa nhiều nhờ CYP 3A4, thoạt đầu thành norcisaprid, có tác dụng bằng khoảng 1/6 thuốc mẹ. Cisaprid bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không đổi với tỷ lệ < 1%. Norcisaprid được bài tiết qua đường thận và có tích lũy khi thận bị suy nặng.

Nồng độ cân bằng động lực trong huyết thanh người già cao hơn, vì nửa đời của cisaprid và/hoặc norcisaprid kéo dài vừa phải.

Nửa đời của thuốc ở người khỏe mạnh là 8,5 ± 1,5 giờ, kéo dài ở người bị suy gan nặng, nhưng tăng không đáng kể ở người suy thận.

 

Chỉ định

Chứng ợ nóng về đêm, viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản. Ðiều trị duy trì viêm thực quản do trào ngược dạ dày.

Táo bón mạn tính và loạn tiêu hóa chức năng.

Liệt nhẹ dạ dày triệu chứng.

Chứng giả tắc ruột kiểu thần kinh.

 

Chống chỉ định

Quá mẫn với cisaprid hoặc thành phần khác của thuốc.

Chảy máu đường tiêu hóa, tắc cơ học đường tiêu hóa.

Thủng đường tiêu hóa hoặc trường hợp bị nguy hiểm khi kích thích vận động đường tiêu hóa.

Dùng đồng thời với ketoconazol, itraconazol, miconazol, fluconazol, erythromycin, clarithromycin, troleandomycin và ritonavir.

Người bệnh đã có khoảng Q - T kéo dài, người bệnh có nguy cơ bị kéo dài khoảng Q - T, như do bị giảm kali huyết hoặc thiếu magnesi, hoặc khi điều trị đồng thời với thuốc khác, có thể gây tăng khoảng Q - T.

 

Thận trọng

Người mang thai, người cho con bú, trẻ đẻ non, có triệu chứng tắc cơ học.

Khi kích thích đường tiêu hóa có thể bị nguy hiểm như tắc, thủng và chảy máu đường tiêu hóa.

Những thông số cần theo dõi:

Theo dõi nồng độ thuốc trong huyết thanh khi bắt đầu và khi ngừng điều trị vì thuốc có khoảng điều trị hẹp.

Ở những người bệnh đang uống thuốc chống đông, theo dõi thời gian prothrombin trong vài ngày khi bắt đầu điều trị hoặc khi ngừng cisaprid.

 

Thời kỳ mang thai

Cisaprid gây độc với bào thai chuột cống và thỏ. Chưa có đủ nghiên cứu trên người mang thai. Chỉ nên dùng cisaprid cho người mang thai khi hiệu quả điều trị hơn hẳn rủi ro có thể xảy ra với bào thai.

 

Thời kỳ cho con bú

Cisaprid được bài tiết qua sữa mẹ, vậy nên thận trọng khi dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Tác dụng trên trẻ em chưa được rõ.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Các tác dụng phụ xuất hiện đôi khi phụ thuộc vào liều dùng, đôi khi không phụ thuộc. Thường gặp nhất là ỉa chảy và đau bụng (khoảng 10%).

Những phản ứng này thường xảy ra do tác dụng dược lý của cisaprid và dần sẽ hết.

Thường gặp, ADR > 1/100

Tiêu hóa: ỉa chảy, đau bụng, đầy hơi.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Toàn thân: Ðau đầu thoáng qua, chóng mặt.

Tiêu hóa: Buồn nôn.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Toàn thân: Phản ứng quá mẫn, đỏ bừng da, ngứa, thở ngắn, sưng mặt.

Hệ thần kinh trung ương: Triệu chứng ngoài bó tháp, cơn động kinh.

Nội tiết: Bệnh to vú ở đàn ông, tiết nhiều sữa.

Gan: Tăng enzym gan.

Tiết niệu: Tiểu tiện nhiều lần.

Chú ý: Một số ít trường hợp có khoảng cách Q - T kéo dài và/ hoặc có xoắn đỉnh đã thấy ở những người đã bị bệnh tim hoặc có nguy cơ loạn nhịp.

 

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Theo dõi tác dụng phụ, đặc biệt là ỉa chảy và co cứng bụng.

Cần giảm liều khi thấy ỉa chảy ở trẻ em nhỏ. Nếu có đau bụng, với liều 20 mg/kg, thì liều khuyến cáo dùng trong 24 giờ nên giảm 1/2.

 

Liều lượng và cách dùng

Người lớn:

Ðiều trị triệu chứng ợ nóng về đêm hoặc viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản:

10 mg, 4 lần/ngày, uống 15 phút trước khi ăn và trước khi ngủ; có thể tăng liều tới 20 mg, 4 lần/ngày, nếu cần.

Ðiều trị duy trì viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản: 10 - 20 mg, hai lần/ngày, tùy thuộc vào mức độ viêm nặng hay nhẹ lúc đầu.

Loạn tiêu hóa chức năng hoặc táo bón mạn tính: 5 - 10 mg, 3 lần/ngày.

Liệt nhẹ dạ dày triệu chứng: 10 mg, 3 - 4 lần/ngày.

Trẻ em: (< 18 tuổi) độ an toàn và hiệu quả chưa được xác định; 0,15 - 0,3 mg/kg, 3 - 4 lần; tối đa 10 mg/liều.

Chú ý: Với người bệnh suy gan nặng, giảm liều hàng ngày bằng 50% liều thông thường.

Với người bệnh suy thận, không cần điều chỉnh liều, tuy nhiên, theo một số tác giả nên giảm liều 50% vì thuốc có thể tích lũy ở thận. Sau thẩm tách máu, không cần phải tăng liều cisaprid.

 

Tương tác thuốc

Cisaprid làm tăng tác dụng an thần của các benzodiazepin và rượu.

Sự tăng đẩy nhanh thức ăn khỏi dạ dày có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp thu (tăng hoặc giảm) những thuốc uống khác.

Cisaprid có thể làm tăng thời gian đông máu ở người bệnh uống các thuốc chống đông.

Những thuốc ức chế CYP 3A4 ở gan có thể làm tăng đáng kể nồng độ cisaprid huyết thanh và làm kéo dài khoảng Q - T, dẫn đến loạn nhịp thất, xoắn đỉnh và thậm chí có thể tử vong.

Warfarin, diazepam, cimetidin, ranitidin, thuốc ức chế thần kinh trung ương, erythromycin, và các macrolid và các chất chống nấm triazol như ketoconazol hoặc miconazol làm tăng nồng độ cisaprid.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở 15 - 250C, tránh ẩm và ánh sáng.

 

Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Nôn oẹ, sôi bụng, đầy bụng, đại, tiểu tiện nhiều lần.

Ðiều trị: Rửa dạ dày và/hoặc cho dùng than hoạt, theo dõi người bệnh chặt chẽ và điều trị hỗ trợ toàn thân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top