✴️ Mefloquin

Nội dung

Tên chung quốc tế: Mefloquine.

Mã ATC: P01B A05.

Loại thuốc: Thuốc chống sốt rét.

 

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 250 mg mefloquin hydroclorid (tương đương với 228 mg mefloquin base)

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Mefloquin là thuốc chống sốt rét chỉ có tác dụng diệt thể phân liệt giai đoạn hồng cầu trong máu của người bệnh sốt rét do P. falciparum, P. vivax, P. malariae, P. ovale, và tất cả các dạng vô tính trong hồng cầu, nhưng các dạng trưởng thành hữu tính của P. falciparum không bị diệt. Ðiều này trái ngược với tác dụng của mefloquin đối với P. vivax, P. malariae và P. ovale (tất cả 3 chủng đều bị diệt hoàn toàn).

Trong thực tế lâm sàng, mefloquin được sử dụng cả trong dự phòng và điều trị sốt rét và để giảm sự lan truyền của P. vivax, P. ovale và P. malariae. Mefloquin có hiệu quả trên các ký sinh trùng đã kháng với các thuốc sốt rét khác như cloroquin, proguanil, pyrimethamin, và các dạng hỗn hợp chứa pyrimethamin. Tuy nhiên ở vùng Ðông Nam Á cũng đã có chủng P. falciparum kháng mefloquin, nhưng tác dụng của mefloquin đối với các chủng này chưa được đánh giá đầy đủ.

Dược động học

Mefloquin được hấp thu tốt qua đường uống (87 ± 11%). Nồng độ tối đa trong huyết tương từ 0,2 - 1,4 microgam/ml đạt được khoảng 2 - 12 giờ sau khi uống mefloquin với liều duy nhất 250 mg. Nồng độ thấp nhất trong huyết tương có hiệu quả ức chế P. falciparum là khoảng 0,2 - 0,3 microgam/ml. Thể tích phân bố cao (khoảng 20 lít/kg). 98% mefloquin gắn với protein huyết tương. Thời gian bán hấp thu khoảng 0,36 - 2 giờ, nồng độ của thuốc duy trì được trong một thời gian dài, mefloquin tập trung ở hồng cầu với nồng độ tương đối không thay đổi, gấp đôi so với trong huyết tương. Mefloquin được chuyển hóa ở gan. Chất chuyển hóa chính có trong huyết tương và trong nước tiểu không có hoạt tính là acid quinolin carboxylic.

Nửa đời thải trừ của mefloquin trung bình khoảng 3 tuần (từ 10 đến 33 ngày). Mefloquin đào thải chủ yếu vào mật và phân. Khoảng 13% liều dùng đào thải ra nước tiểu dưới dạng không đổi và dẫn xuất carboxylic acid.

 

Chỉ định

Ðiều trị và dự phòng sốt rét do P. falciparum kháng với cloroquin.

 

Chống chỉ định

Mefloquin không sử dụng cho những người bệnh có tiền sử bệnh tâm thần, động kinh, những người bệnh nhạy cảm với mefloquin, hoặc nhạy cảm với các chất có cấu trúc liên quan như cloroquin, quinin, quinidin.

Suy gan hoặc suy thận nặng.

Blốc tim bậc 1 hoặc 2.

 

Thận trọng

Thận trọng khi dùng cho người lái xe, vận hành máy móc vì nguy cơ gây chóng mặt, rối loạn giác quan về thăng bằng phản ứng thần kinh hoặc tâm thần có thể xảy ra trong khi điều trị và 2 - 3 tuần sau khi ngừng thuốc.

Trong dự phòng bằng mefloquin, nếu xuất hiện các rối loạn như lo âu, trầm cảm, kích động hoặc lú lẫn, phải xem đây là những tiền triệu chứng của những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, do đó cần ngừng thuốc.

Ðối với những người bệnh rối loạn tâm thần, chỉ nên sử dụng mefloquin khi cần thiết.

Không dùng mefloquin lâu quá một năm. Nếu dùng lâu, phải định kỳ kiểm tra chức năng gan và mắt (thuốc có thể làm giảm chức năng gan và gây tổn thương mắt).

 

Thời kỳ mang thai

Kinh nghiệm lâm sàng về sử dụng mefloquin cho phụ nữ mang thai còn rất hạn chế. Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy mefloquin có thể gây dị dạng cơ xương, khe hở vòm miệng và quái thai lồi não; vì vậy không dùng mefloquin với mục đích dự phòng trong suốt thời kỳ mang thai; trong 3 tháng đầu thai kỳ, chỉ dùng mefloquin khi thật cần thiết.

Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ nếu phải dự phòng bằng mefloquin khi đến vùng có dịch sốt rét lưu hành, cần phải dùng phương pháp ngừa thai hữu hiệu trong khi dùng thuốc và 3 tháng sau khi ngừng thuốc.

 

Thời kỳ cho con bú

Các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của mefloquin đối với trẻ em chưa được nghiên cứu đầy đủ. Mefloquin qua được sữa mẹ nhưng nguy cơ gây tác động đến trẻ em được coi là rất ít. Tuy nhiên, có thể nồng độ thuốc trong sữa mẹ sẽ cao hơn sau các liều điều trị hoặc phòng bệnh hàng tuần vì mefloquin có nửa đời dài.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Tác dụng không mong muốn phổ biến nhất là chóng mặt (20%) và buồn nôn 15%.

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, mất ngủ.

Thần kinh: Rối loạn thăng bằng.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Toàn thân: Suy nhược, chán ăn, mệt mỏi, sốt, rét run.

Máu: Tăng bạch cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

Tuần hoàn: Hạ huyết áp, tăng huyết áp, mặt đỏ bừng, ngất, tim nhanh tim chậm, loạn nhịp tim, ngoại tâm thu.

Da: Phản ứng da, ngoại ban, ban đỏ, mày đay, ngứa, rụng tóc

Cơ xương: Yếu cơ, co cơ, đau cơ, đau khớp.

Thần kinh: Bệnh lý thần kinh, dị cảm, co thắt.

Tâm thần: Vật vã kích thích, trầm cảm, hay quên, lú lẫn, ảo giác, phản ứng tâm thần và paranoit.

Mắt: Rối loạn thị giác.

Tai: Ù tai.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Tuần hoàn: Blốc nhĩ - thất.

Thần kinh: Bệnh não.

Gan: Transaminase tăng nhất thời.

Da: Hội chứng Stevens - Johnson, hồng ban đa dạng.

 

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Trong các xét nghiệm thấy có sự tăng transaminase nhất thời, nhưng không rõ sự tăng này do mefloquin hay do bệnh. Nếu dùng tổng liều trên 1000 mg mefloquin/ngày, thì thường gặp triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và nôn, thông thường sẽ hết trong vòng 24 - 28 giờ.

 

Liều lượng và cách dùng

Sau đây là khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.

Ðiều trị sốt rét: Thể trung bình do P. falciparum đa kháng thuốc.

Người lớn: 15 mg/kg thể trọng, tối đa tới 1000 mg chia 2 lần cách nhau 6 - 8 giờ. Uống thuốc với nhiều nước, trong bữa ăn.

Trẻ em: 15 mg/kg chia làm 2 lần, cách nhau 6 - 8 giờ; không nên dùng cho trẻ em dưới 15 kg cân nặng hoặc dưới 2 tuổi.

Dự phòng sốt rét:

Mefloquin chỉ dùng ở những nơi ký sinh trùng sốt rét đã kháng nhiều thuốc.

Người lớn uống 1 viên mefloquin 250 mg/tuần vào một ngày cố định; bắt đầu uống 1 tuần trước khi lên đường đi vào vùng có sốt rét. Uống tối đa 8 tuần.

Tại Việt Nam, dự phòng được áp dụng với một số vùng theo hướng dẫn của Bộ y tế.

Ðối với người đi vào vùng sốt rét nặng trong thời gian ngắn:

Người lớn: Tuần đầu uống 1 viên mefloquin 250 mg mỗi ngày, uống liền 3 ngày, sau đó 1 viên/tuần.

Trẻ em: Tuần đầu uống 15 mg/kg, chia 3 ngày liền, sau đó:

3 - 23 tháng tuổi: 1/4 viên cho một tuần;

2 - 7 tuổi: 1/2 viên/tuần;

8 - 13 tuổi: 3/4 viên/tuần;

14 tuổi trở lên: 1 viên/tuần.

Sau khi ra khỏi vùng sốt rét lưu hành, uống tiếp 4 tuần nữa.

Chú ý: Không dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Sau khi uống một liều điều trị người bệnh có thể bị chóng mặt nhức đầu, nhưng sẽ hết sau vài ngày.

 

Tương tác thuốc

Ðã được nghiên cứu kỹ:

Ðã xảy ra ngừng tim - hô hấp sau khi dùng một liều duy nhất mefloquin cho người bệnh đang dùng propranolol.

Phải hết sức thận trọng khi dùng mefloquin cho các người bệnh đang dùng các thuốc chẹn beta, chẹn calci, digitalis hoặc các thuốc chống trầm cảm.

Tác dụng tới tim của các thuốc chống sốt rét khác như quinin hoặc quinidin cũng tăng nặng lên khi dùng đồng thời mefloquin, trừ artemisinin (có thể phối hợp được).

Primaquin dùng đồng thời có thể làm tăng tỷ lệ xuất hiện các tác dụng không mong muốn của mefloquin

Dùng mefloquin cùng với acid valproic làm giảm nồng độ valproat trong huyết thanh.

Mefloquin có thể dùng cho người bệnh sau khi tiêm quinin nhưng nên chờ 12 giờ sau liều cuối cùng tiêm quinin để tránh độc tính.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phòng (15 đến 30oC), tránh ẩm và ánh sáng.

 

Quá liều và xử trí

Trường hợp quá liều mefloquin, sẽ xuất hiện các triệu chứng như đã nêu trong mục tác dụng không mong muốn nhưng có thể nặng hơn. Ðặc biệt các triệu chứng về gan, tim, thần kinh đã gặp ở một người bệnh vô ý dùng 5,25 g mefloquin quá 6 ngày; các triệu chứng này sẽ hết nếu ngừng thuốc. Xử trí bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày và theo dõi sát chức năng gan, tim (làm điện tâm đồ) và trạng thái thần kinh, tâm thần ít nhất trong 24 giờ. Ðiều trị hỗ trợ tăng cường và triệu chứng nếu cần. Ðiều trị nôn hoặc ỉa chảy bằng liệu pháp bù dịch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top