✴️ Norfloxacin

Nội dung

Tên chung quốc tế: Norfloxacin.

Mã ATC: J01M A06, S01A X12.

Loại thuốc: Kháng sinh nhóm quinolon.

 

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 200 mg, 400 mg; dung dịch tra mắt 0,3%.

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Norfloxacin ức chế DNA - gyrase, một enzym cần thiết cho sự sao chép DNA của vi khuẩn.

Norfloxacin có tác dụng diệt khuẩn với cả vi khuẩn ưa khí Gram dương và Gram âm. Norfloxacin có tác dụng với hầu hết các tác nhân gây bệnh đường tiết niệu thông thường nhất như: Escherichia coli, Proteus mirabilis, Staphylococcus saprophyticus. Ngoài ra, norfloxacin cũng có tác dụng diệt các khuẩn gây bệnh đường tiết niệu khác như Klebsiella spp., Enterobacter spp., Proteus spp. indol dương, Pseudomonas aeruginosa và Streptococcus faecalis.

Norfoxacin cũng diệt Salmonella spp., Shigella spp., Campylobacter spp., Vibrio cholerae và Yersina enterocolitica, và các vi khuẩn có liên quan. Nó còn có tác dụng diệt Neisseria gonorrhoeae (cả các chủng tạo penicilinase hoặc không tạo ra penicilinase).

Chlamydia và các vi khuẩn yếm khí như Bacteroides spp. không nhạy cảm với norfloxacin.

Norfloxacin cũng thường có tác dụng ngay khi vi khuẩn đã kháng với acid nalidixic.

In vitro, norfloxacin ức chế đa số các chủng nhạy cảm gây bệnh ở mắt như Acinetobacter calcoaceticus, Aeromonas hydrophila, Hemophilus influenzaeStaphylococcus aureus. Ða số các chủng Pseudomonas aeruginosa bị ức chế bởi norfloxacin ở nồng độ 4 microgam/ml hoặc thấp hơn. Norfloxacin tác dụng yếu hơn ciprofloxacin chống các chủng gây bệnh nhạy cảm in vitro, và cũng yếu hơn ciprofloxacin trong một số mô hình viêm giác mạc gây ra bởi Pseudomonas aeruginosa in vivo.

Sự đề kháng đối với norfloxacin truyền qua plasmid chưa được xác định.

Dược động học

Khi dùng liều 200 mg hay 400 mg norfloxacin, trong vòng 1 - 2 giờ nồng độ tối đa của thuốc trong huyết tương tương ứng là 0,8 mg/lít và 1,5 mg/lít. Norfloxacin được bài tiết theo hai đường: Lọc cầu thận và bài tiết ở ống thận. Nồng độ thuốc tối đa trong nước tiểu đạt được sau khi uống thuốc 2 giờ. Nồng độ diệt khuẩn của thuốc trong nước tiểu được duy trì trong vòng 12 giờ. Nửa đời của thuốc trong huyết tương khoảng 3 - 5 giờ. Ðối với những người suy thận ở mức độ trung bình có độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút, nửa đời của thuốc trong huyết tương kéo dài gấp đôi (6 - 10 giờ).

 

Chỉ định

Norfloxacin được dùng chủ yếu để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm tuyến tiền liệt. Thuốc cũng được chỉ định trong viêm đường tiêu hóa nhiễm khuẩn (kể cả bệnh tiêu chảy và lỵ trực khuẩn), bệnh lậu. Thuốc còn được dùng làm một phần của phác đồ khử nhiễm đường tiêu hóa có chọn lọc ở người bệnh giảm miễn dịch (giảm bạch cầu trung tính) và người bệnh viêm phúc mạc (dự phòng viêm phúc mạc tiên phát). Norfloxacin được dùng để dự phòng nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết Gram âm ở người bị giảm bạch cầu trung tính nặng.

Dung dịch tra mắt norfloxacin được dùng trong điều trị viêm kết mạc, viêm mi mắt, viêm sụn mi nhiễm khuẩn do chủng nhạy cảm.

 

Chống chỉ định

Ðối với người quá mẫn với norfloxacin hoặc với các chất kháng khuẩn có liên quan về mặt hóa học với quinolon.

 

Thận trọng

Thận trọng với người cao tuổi có giảm chức năng thận, dùng liều bằng 1/2.

Phải dùng thận trọng cho các người bệnh bị động kinh hay có tiền sử về các rối loạn thần kinh trung ương.

Nói chung phải dùng thận trọng đối với các người bệnh thiểu năng gan hoặc suy thận nếu độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút; phải giảm liều lượng thuốc và theo dõi sự thanh thải creatinin.

Không nên dùng mọi fluoroquinolon cho trẻ em và thiếu niên. Các thuốc fluoroquinolon và các quinolon khác đã được thông báo gây bệnh khớp ở nhiều loài động vật chưa trưởng thành.

Thời kỳ mang thai

Nói chung việc dùng norfloxacin trong thời gian mang thai chưa thấy có những biểu hiện tăng nguy cơ dị dạng bẩm sinh. Tuy vậy cũng không thể loại trừ nguyên nhân có liên quan đến một số khuyết tật của thai nhi. Không chỉ định norfloxacin cho người mang thai vì có các thuốc khác an toàn hơn.

Thời kỳ cho con bú

Trong thời gian cho con bú không nên dùng norfloxacin vì có khả năng gây bệnh khớp và ngộ độc nặng cho các trẻ đang bú. Nếu không thay thế được bằng một kháng sinh khác mà người mẹ vẫn phải dùng fluoroquinolon thì nên ngừng cho con bú.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Norfloxacin thường dễ dung nạp. Tỷ lệ toàn bộ tác dụng không mong muốn khoảng 3%.

Thường gặp, ADR > 1/100

Tiêu hóa: Buồn nôn, ỉa chảy, đau/co cứng cơ bụng.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Thần kinh: Ðau đầu, chóng mặt hoa mắt, ợ nóng.

Da: Phát ban, ngứa, nhạy cảm ánh sáng, ngoại ban.

Hiếm gặp, ADR<1/1000

Thần kinh trung ương: Chán ăn, ngủ không yên giấc, trầm cảm, lo lắng, tình trạng kích động, bị kích thích, sảng khoái, mất định hướng, ảo giác.

Tiêu hóa: Viêm miệng, viêm đại tràng màng giả.

Cơ - xương: Ðau khớp.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Ngừng dùng norfloxacin.

 

Liều lượng và cách dùng

Phải uống norfloxacin 1 giờ trước bữa ăn hay 2 giờ sau bữa ăn với một cốc nước đầy. Trong ngày phải uống nhiều nước để lượng nước tiểu đào thải ít nhất từ 1200 ml đến 1500 ml mỗi ngày ở người lớn.

Liều điều trị:

Lậu hoặc viêm niệu quản do lậu: Uống 800 mg, 1 liều duy nhất.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (không biến chứng): Uống 400 mg, ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ, trong 3 ngày.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (có biến chứng): Uống 400 mg, ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ, trong 10 đến 21 ngày.

Viêm ruột - dạ dày do vi khuẩn: Uống 400 mg, cách 8 - 12 giờ/1 lần, trong 5 ngày.

Liều phòng bệnh:

Nhiễm khuẩn do giảm bạch cầu trung tính nặng: 400 mg/3 lần/ngày, trong giai đoạn giảm bạch cầu trung tính nặng.

Viêm đường tiêu hóa do vi khuẩn: 400 mg/ngày, uống 24 giờ trước khi đến vùng có bệnh lưu hành.

Liều tối đa ở người lớn:

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: 800 mg/ngày.

Viêm đường tiêu hóa: 1200 mg/ngày.

Norfloxacin dùng được để điều trị người bệnh suy thận, nhưng phải giảm liều. Trong suy thận, có thể dùng 400 mg/lần/ngày, khi độ thanh thải creatinin bằng 30 ml hoặc ít hơn trong 1phút.

Viêm kết mạc nhiễm khuẩn: Liều lượng norfloxacin được nhà sản xuất khuyên dùng cho người lớn và trẻ em trên 1 tuổi là 1 hoặc 2 giọt dung dịch 0,3% vào mắt bị đau, ngày 4 lần cho tới 7 ngày. Nếu nhiễm khuẩn nặng, 1 hoặc 2 giọt, cách nhau 2 giờ một lần, trong 1 - 2 ngày đầu điều trị.

 

Tương tác thuốc

Những công trình nghiên cứu, một số các báo cáo nêu lên: Các chất chống acid có chứa nhôm, magnesi hydroxyd làm giảm sự hấp thu từ 50 - 98% norfloxacin trong huyết thanh. Dùng Maalox 2 giờ sau khi uống norfloxacin, lượng norfloxacin hấp thu bị giảm khoảng 1/3. Norfloxacin dùng cùng calci carbonat làm giảm từ 50 - 60% sự hấp thu. Norfloxacin không bị ảnh hưởng bởi bismut subsalicylat. Cơ chế giảm hấp thu norfloxacin khi có mặt các ion nhôm và magnesi được giải thích như sau: Một vài nhóm chức (3 - carbonyl và 4 - oxo) của các kháng sinh kết hợp với các ion trên tạo ra trong ruột các chelat không tan và làm giảm hấp thu, hơn nữa các chelat tạo thành ít có tác dụng kháng khuẩn.

Sử dụng cùng với probenecid không ảnh hưởng tới nồng độ norfloxacin trong huyết thanh nhưng sự bài tiết thuốc trong nước tiểu giảm.

Khi dùng norfloxacin cùng với theophylin và cyclosporin, nồng độ của hai chất này tăng trong huyết tương.

Norfloxacin cũng như các quinolon khác làm tăng tác dụng của chất chống đông máu dạng uống warfarin hoặc những dẫn xuất của nó. Khi sử dụng chúng cần phải theo dõi thời gian đông máu bằng các xét nghiệm thích hợp.

Các chế phẩm đa sinh tố có chứa sắt và kẽm không được sử dụng cùng hoặc trong vòng 2 giờ với norfloxacin vì có thể làm thay đổi độ hấp thu, làm cho nồng độ norfloxacin trong huyết thanh và nước tiểu thấp xuống.

Norfloxacin cũng như các quinolon khác có thể ảnh hưởng tới chuyển hóa của cafein, làm giảm độ thanh thải cafein và kéo dài nửa đời của cafein trong huyết tương.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản trong chai kín. Tránh ánh sáng.

 

Quá liều và xử trí

Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu đối với norfloxacin quá liều, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ, gồm có:

Gây nôn hoặc rửa dạ dày.

Bồi phụ nước và điện giải đầy đủ.

Ðiều trị hỗ trợ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top