Một số sai lầm khi dùng thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là thuốc theo toa dựa trên triệu chứng bệnh có thể giúp những người bị trầm cảm từ trung bình đến nặng cảm thấy tốt hơn. Vì các loại thuốc này hoạt động theo các cách khác nhau nên có thể cần làm một vài xét nghiệm và đôi khi cũng có cả sai sót để tìm ra loại thuốc chống trầm cảm phù hợp với bạn. Điều quan trọng là bạn phải dùng các loại thuốc được kê đơn theo đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bạn không làm như vậy thì có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, bao gồm các triệu chứng trầm cảm không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn.

Việc trò chuyện cởi mở và trung thực với bác sĩ điều trị của bạn là điều thực sự quan trọng, bao gồm cả việc bạn có mắc sai lầm khi dùng thuốc hay bạn đang gặp khó khăn trong việc dùng thuốc đúng cách hay không. Bạn có thể từng nghĩ rằng một loại thuốc đã từng sử dụng không có tác dụng với bạn, nhưng có thể loại thuốc đó đã có tác dụng nếu được sử dụng theo cách tối ưu.

Dưới đây là 8 sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải khi dùng thuốc chống trầm cảm và cách phòng tránh khi mắc phải.

Sai lầm số 1: Ngừng thuốc đột ngột vì bạn cảm thấy tốt hơn

Sau 2 tháng dùng thuốc chống trầm cảm, một số người có thể thấy rằng tâm trạng của họ đã được cải thiện. Một số triệu chứng trầm cảm thậm chí đã thuyên giảm. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên ngừng dùng thuốc, đặc biệt là khi không có bất kỳ y lệnh ngừng thuốc nào từ bác sĩ. Để ngăn ngừa tái phát bệnh trầm cảm hoặc các triệu chứng của bệnh  trở nên trầm trọng hơn hoặc quay trở lại, bạn nên dùng thuốc chống trầm cảm trong ít nhất 6 tháng, nếu không muốn nói là một năm.

Tùy thuộc vào mức độ trầm cảm, một số người có thể cần dùng thuốc chống trầm cảm vô thời hạn để kiểm soát các triệu chứng của họ. Việc ngừng thuốc chống trầm cảm có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng cai nghiện, đặc biệt nếu bạn đã dùng thuốc hơn một tháng. Các triệu chứng có thể bao gồm: lo lắng, chóng mặt, các triệu chứng giống cúm, nhức đầu, mất ngủ, buồn nôn và mệt mỏi,...

Bạn nên tiếp tục dùng thuốc theo liều lượng và thời gian được bác sĩ kê cho bạn. Nếu bạn muốn ngừng dùng thuốc chống trầm cảm hoàn toàn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của bạn. Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách ngừng dùng thuốc một cách an toàn theo thời gian bằng cách giảm dần lượng thuốc.

 

Sai lầm thứ 2: Không nói với bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn đang gặp phải

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc chống trầm cảm bao gồm:

  • Tăng cân và thay đổi khẩu vị
  • Khô miệng
  • Buồn nôn
  • Táo bón
  • Mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Bồn chồn hoặc lo lắng
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ hết trong vài tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm. Nhiều tác dụng phụ ban đầu cũng biến mất khi tiếp tục sử dụng thuốc vì cơ thể chúng ta nhận ra rằng đó là báo động giả và thuốc này hữu ích chứ không có hại.

Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, các tác dụng phụ có thể kéo dài hơn. Các tác dụng phụ khó chịu này có thể khiến những người bị trầm cảm gặp khó khăn trong việc tuân thủ chế độ dùng thuốc của họ. Tuy nhiên, việc bỏ liều hoặc dừng thuốc đột ngột sẽ gây ra nhiều hậu quả, bao gồm làm cho thuốc chống trầm cảm của bạn kém hiệu quả hơn mức cần thiết hoặc gây ra các triệu chứng cai thuốc.

Thay vì bỏ liều hoặc ngừng thuốc vì các tác dụng phụ khó chịu, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang gặp tác dụng phụ. Nếu các tác dụng phụ của bạn không hết trong vòng vài tuần, bác sĩ có thể chọn giảm liều thuốc chống trầm cảm hoặc chuyển bạn sang dùng loại khác có thể hiệu quả hơn cho bạn.

 

Sai lầm thứ 3: Lạm dụng rượu hoặc ma túy khi dùng thuốc chống trầm cảm

Lạm dụng ma túy hoặc rượu không chỉ là một cơ chế đối phó phổ biến và có khả năng gây ra vấn đề đối với chứng trầm cảm, mà còn không an toàn cho những người đang dùng thuốc chống trầm cảm.

Lý do là bởi uống rượu trong khi dùng thuốc chống trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, kém tỉnh táo và thiếu phối hợp. Tuy nhiên, một số bác sĩ kê đơn có thể nghĩ rằng uống một chút rượu hoặc nhiều hơn vẫn có thể ổn. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc như cần sa, cocaine, amphetamine, heroin hoặc ketamine trong khi dùng thuốc chống trầm cảm có thể làm cho các triệu chứng trầm cảm của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn thấy mình đang lạm dụng rượu hoặc ma túy, hãy báo cho bác sĩ của bạn biết. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm cách chấm dứt những thói quen đó. Điều rất quan trọng là bạn phải nói điều này cho bác sĩ điều trị biết để đạt được mục tiêu chung là cải thiện sức khỏe của bạn.

 

Sai lầm số 4: Không nói với bác sĩ về các loại thuốc hoặc chất bổ sung khác mà bạn đang dùng

Việc không cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn hoặc chất bổ sung mà bạn đang dùng có thể gây ra vấn đề cho bạn. Thuốc chống trầm cảm có thể tương tác tiêu cực với nhiều loại thuốc và chất bổ sung khác nhau, chẳng hạn như ibuprofen và cỏ thánh John. Việc tương tác này có thể khiến bạn bị ốm nặng.

Trước khi nhận đơn thuốc chống trầm cảm, điều quan trọng là bạn phải nói với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc và chất bổ sung nào mà bạn đang sử dụng. Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung mới nào, hãy nhớ thông báo với bác sĩ để đảm bảo không có bất kỳ tương tác thuốc tiềm ẩn nào.

 

Sai lầm thứ 5: Không nói với bác sĩ về các tình trạng sức khỏe khác mà bạn mắc phải

Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây khó khăn cho những người có tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần nhất định. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm cần được kê đơn cẩn thận (nếu có) cho những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực vì chúng có thể gây ra cơn hưng cảm cho một số người.

Nếu bạn có các tình trạng sức khỏe khác, hãy chắc chắn nói cho bác sĩ điều trị của bạn biết. Nếu bạn cung cấp cho bác sĩ của bạn càng nhiều thông tin thì bác sĩ không chỉ có thể giúp bạn tốt hơn mà còn giúp bạn tránh được những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra.

 

Sai lầm thứ 6: Không làm việc với bác sĩ tâm lý

Nếu bạn đang muốn bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm, điều quan trọng là bạn nên cố gắng gặp bác sĩ chuyên khoa, chẳng hạn như bác sĩ tâm thần, người có chuyên môn trong việc kê đơn thuốc chống trầm cảm.

Mặc dù gần 80% thuốc chống trầm cảm được kê toa bởi các bác sĩ nhưng bệnh trầm cảm vẫn thường không được quản lý một cách tối ưu trong bệnh viện. Theo nghiên cứu, điều đó thường là do các rào cản, bao gồm thiếu bác sĩ cho từng chuyên khoa bệnh trầm cảm, chẩn đoán không chính xác được đưa ra trong chăm sóc ban đầu và kê đơn thuốc chống trầm cảm ở liều thấp hơn so với hướng dẫn khuyến cáo,...

Điều trị bệnh trầm cảm có thể không phải là lĩnh vực chuyên môn của một số bác sĩ tâm thần. Một số bác sĩ có thể ít hiểu biết hơn về thuốc chống trầm cảm. Theo nghiên cứu, có rất nhiều vùng nông thôn không hề có bác sĩ tâm thần. Điều này có thể khiến việc gặp bác sĩ tâm thần để điều trị các vấn đề về sức khỏe trở nên khó khăn hơn và nhiều người sống ở khu vực nông thông cũng không được tiếp cận điều trị với bác sĩ tâm thần hay chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm hoặc đang tìm cách bắt đầu dùng thuốc, bạn nên làm việc với bác sĩ tâm thần trực tiếp hoặc qua mạng nếu bạn không thể đến gặp trực tiếp.

 

Sai lầm số 7: Chỉ dựa vào thuốc chống trầm cảm để kiểm soát các triệu chứng trầm cảm

Mặc dù thuốc chống trầm cảm có thể rất hữu ích đối với chứng trầm cảm, nhưng chúng không nên là công cụ duy nhất để bạn kiểm soát tình trạng bệnh. Thuốc sẽ hoạt động tốt nhất khi được kết hợp với nhiều biện pháp can thiệp để giải quyết giai đoạn trầm cảm.

Một phương pháp điều trị bao gồm cả thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý - hay còn gọi là "liệu pháp nói chuyện" - dường như hiệu quả hơn điều trị 1 trong 2 biện pháp riêng lẻ. Nếu bạn dự định bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm, bạn có thể cân nhắc bắt đầu liệu pháp tâm lý với chuyên gia sức khỏe tâm thần trong khoảng thời gian dùng thuốc.

Thay đổi lối sống để hỗ trợ cải thiện tâm trạng là một thành phần quan trọng khác trong việc kiểm soát chứng trầm cảm. Điều này có thể bao gồm cung cấp năng lượng cho cơ thể bạn bằng các loại thực phẩm lành mạnh như: trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các loại hạt... Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử tập thể dục ít nhất 30 phút - chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ hoặc đi xe đạp, với tần suất 3 - 5 ngày một tuần.

 

Sai lầm số 8: Không nói với bác sĩ việc sử dụng thuốc chống trầm cảm không hiệu quả

Nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm theo chỉ dẫn nhưng không cảm thấy các triệu chứng của mình được cải thiện thì điều này không có nghĩa là bạn đang làm gì sai. Một số người có thể đáp ứng tốt hơn với một số loại thuốc chống trầm cảm hơn những người khác. Đây có thể là một quá trình thử để tìm ra lựa chọn điều trị nào phù hợp nhất với bạn.

Nếu bạn đã thử một số loại thuốc chống trầm cảm nhưng chúng không giúp được gì nhiều thì rất có thê bạn đang mắc chứng trầm cảm kháng trị. Nếu bạn bị chứng trầm cảm kháng trị, hãy biết rằng kháng điều trị không có nghĩa là không thể điều trị được. Những người bị hội chứng này có thể lựa chọn phương pháp điều trị khác như: tâm lý trị liệu, kích thích từ xuyên sọ lặp đi lặp lại, liệu pháp sốc điện hoặc kích thích dây thần kinh phế vị,... Nếu thuốc chống trầm cảm của bạn dường như không có tác dụng, hãy cho bác sĩ của bạn biết. Khi đó, bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra phương pháp điều trị phù hợp hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top