Vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

Nội dung

Theo CNN, cảnh báo của CDC được đưa ra sau khi Bộ Y tế bang Virginia xác nhận 5 ca tử vong do viêm màng não mô cầu nghiêm trọng. Trong các trường hợp được xác định từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tử vong là 1 trên 6 người, cao hơn mức thường thấy ở các ca viêm màng não mô cầu. 

Theo CDC, những trường hợp này được coi là bất thường bởi chủng tấn công vào những người trung niên thay vì những người trẻ như trước. Thông thường, nhiễm trùng viêm màng não thường tấn công trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và thanh niên.

CDC cho biết, những ca bệnh viêm màng não mô cầu này do chủng vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Nhiễm trùng có thể dẫn đến cả viêm màng não và nhiễm trùng máu nghiêm trọng gọi là nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm độc máu.

Vi khuẩn có thể lây lan từ người sang người thông qua trao đổi dịch tiết đường hô hấp và cổ họng, thường xảy ra khi hôn, ho, hắt hơi hoặc có tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể gây nhiễm trùng máu, triệu chứng như ớn lạnh, mệt mỏi, tay chân lạnh, thở nhanh, tiêu chảy. Ở giai đoạn sau, người bệnh có các biểu hiện như phát ban màu tím sẫm.

Có 4 nhóm vi khuẩn não mô cầu đang lưu hành ở Mỹ là B, C, W và Y. Các ca mắc năm 2023 đều do chủng ST-1466, thuộc phân nhóm Y gây ra.

CDC cho biết, vào năm 2023, có 422 trường hợp mắc bệnh do những vi khuẩn này gây ra được báo cáo ở Hoa Kỳ, con số cao nhất được báo cáo từ năm 2014. Năm 2024 số ca bệnh viêm màng não mô cầu vẫn đang có xu hướng gia tăng từ đầu năm, cho đến nay đã có 143 trường hợp được báo cáo ở Hoa Kỳ - nhiều hơn gần 80% so với số ca được báo cáo vào cùng thời điểm năm 2023.

Bệnh nhân chủ yếu từ 30 đến 60 tuổi, người da đen và bệnh nhân HIV.

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm màng não bao gồm sốt, nhức đầu, cứng cổ, sợ ánh sáng và buồn nôn. Tuy nhiên nhiều ca mắc được báo cáo gần đây không có những biểu hiện này. Khoảng 2/3 số bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, 4% đau khớp và nhiễm trùng.

Các triệu chứng ban đầu giống với những bệnh nhiễm trùng thông thường khác, nhưng chúng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn, có thể đe dọa tính mạng trong vòng vài giờ. Bệnh nhân cần điều trị lập tức bằng kháng sinh. Người sống sót có thể bị ảnh hưởng lâu dài như điếc, cụt tứ chi.

Bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn hiện đã có vaccine phòng ngừa. Vaccine dùng cho trẻ từ 11 đến 12 tuổi, tiêm nhắc lại ở tuổi 16. Những người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch do điều trị ung thư hoặc mắc HIV cũng được khuyến nghị tiêm chủng. CDC cho biết, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên được tiêm vaccine tăng cường này sau mỗi 3-5 năm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top