Tên chung quốc tế: Polygeline.
Mã ATC: B05A A06.
Loại thuốc: Chất thay thế huyết tương.
Dạng thuốc và hàm lượng
Chai 500 ml và 1000 ml dịch truyền keo 3,5% để thay thế huyết tương.
Thành phần cho chai 500 ml gồm: polygelin 17,5 g, Na+ 72,5 mmol, K+ 2,55 mmol, Ca++ 3,13 mmol, Cl- 72,5 mmol và vết sulfat và phosphat.
Các polypeptid giúp tạo cân bằng đẳng trương trong dung dịch. Dung dịch không có chất bảo quản.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Polygelin là một chất trùng hợp có khối lượng phân tử trung bình 30.000 được tạo thành do liên kết chéo các polypeptid lấy từ gelatin đã biến chất với di - isocyanat để tạo thành các cầu urê.
Áp suất bổ sung thêm phụ thuộc vào tốc độ truyền, thời gian truyền, thể tích thiếu hụt và sự thải trừ của thận. Chất làm tăng thể tích huyết tương này không gây mất nước ngoài tế bào. Các polypeptid trong chế phẩm bị enzym cathepsin và trypsin phân hủy. Thuốc không ảnh hưởng đến hệ thống đông máu và chức năng tiểu cầu.
Dược động học
Nửa đời của thuốc khoảng 5 giờ và 48 giờ sau khi truyền xong không còn phát hiện được polypeptid trong máu. Khoảng 85% liều truyền bài xuất qua thận dưới dạng không biến đổi.
Chỉ định
Polygelin được chỉ định trong các trường hợp sau:
Thay thế thể tích huyết tương trong điều trị khởi đầu sốc giảm thể tích do xuất huyết (rõ hay ẩn), bỏng, viêm phúc mạc, viêm tụy, vết thương giập nát.
Làm dịch thay thế trong thủ thuật thay huyết tương.
Tuần hoàn ngoài cơ thể.
Truyền tưới cơ quan cô lập.
Làm dung dịch vận chuyển insulin.
Chống chỉ định
Không dùng polygelin cho người bệnh đã biết có quá mẫn với các thành phần trong chế phẩm vì nguy cơ gây phản ứng phản vệ.
Thận trọng
Phải dùng polygelin thật thận trọng trong các trường hợp:
Tăng thể tích máu tuần hoàn và các hậu quả của nó (tăng thể tích tâm thu, tăng huyết áp) hoặc tăng thể tích dịch gian bào, hoặc loãng máu, vì nguy cơ đặc biệt đối với người bệnh. Ví dụ: Suy tim sung huyết, tăng huyết áp, giãn tĩnh mạch thực quản, phù phổi, tạng chảy máu, vô niệu tại thận và sau thận.
Người bệnh có nguy cơ tăng giải phóng histamin (như người bệnh dị ứng, người bệnh có tiền sử giải phóng histamin, người bệnh trong vòng 7 ngày trước đã dùng các thuốc làm tăng giải phóng histamin như thuốc gây mê, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, thuốc ức chế hạch và các thuốc kháng acetylcholin). Ðối với những trường hợp nói trên chỉ dùng polygelin sau các bước dự phòng thích hợp bằng các thuốc kháng thụ thể H1 hoặc H2.
Nếu truyền polygelin với tốc độ nhanh không thích hợp, đặc biệt cho những người bệnh có thể tích máu bình thường, có thể gây giải phóng các chất hoạt mạch. Cơ chế chính xác của việc giải phóng histamin này khi truyền thuốc, cho đến nay vẫn chưa được biết rõ.
Nồng độ calci trong máu có thể hơi tăng trong một thời gian ngắn. Tốc độ lắng của huyết cầu cũng có thể tăng tạm thời.
Thời kỳ mang thai
Trong nhiều năm, người ta đã sử dụng polygelin để điều trị các trường hợp chảy máu ở thời kỳ sinh đẻ hay các trường hợp mất máu trong sản phụ khoa mà không hề gặp tai biến. Thuốc cũng có thể được dùng để thay thế thể tích huyết tương trong lúc mang thai nếu không có sẵn máu để truyền.
Thời kỳ cho con bú
Không có thông tin.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Dị ứng, mày đay, hạ huyết áp trong thời gian ngắn, đỏ mặt, tăng nhiệt độ, run, khó thở.
Tuần hoàn: Nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Toàn thân: Phản ứng phản vệ, sốc, phù Quincke.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ðối với những phản ứng nhẹ: Cho dùng các thuốc kháng histamin và corticoid.
Trường hợp sốc phản vệ, nên ngừng truyền và tiêm ngay adrenalin (tiêm tĩnh mạch chậm 5 - 10 ml dung dịch 1: 10.000 hay tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 0,5 - 1 ml dung dịch 1: 1000). Nên tiêm nhắc lại adrenalin cứ sau 15 phút cho đến khi tình trạng được cải thiện. Trong trường hợp trụy mạch cần phải thay thế máu, nhất là theo dõi áp suất tĩnh mạch trung tâm. Có thể phải truyền một lượng lớn dung dịch chất điện giải vì trong sốc phản vệ, huyết tương có thể bị mất đi 40% thể tích. Cũng có thể cho tiêm tĩnh mạch chậm chất đối kháng thụ thể H1 như tiêm 10 - 20 mg clorpheniramin.
Liều lượng và cách dùng
Nên truyền tĩnh mạch một thể tích bằng lượng máu ước lượng đã bị mất. Sau khi tính toán lượng chất cần truyền và thời gian truyền, tốc độ truyền được xác định như sau:
Tốc độ truyền phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Bình thường tốc độ này không vượt quá 500 ml/60 phút mặc dù có thể lớn hơn trong trường hợp cấp cứu. Khi mất tới 25% thể tích máu có thể cho dùng riêng polygelin.
Sốc giảm thể tích máu: Lúc đầu nên truyền tĩnh mạch 500 - 1000 ml. Nếu mất tới 1500 ml máu, có thể thay thế bằng riêng polygelin. Nếu mất từ 1500 - 4000 ml, nên thay thế một thể tích bằng nhau của polygelin và máu (truyền riêng biệt). Nếu mất trên 4000 ml, nên truyền riêng máu và polygelin theo tỷ lệ 2: 1. Hematocrit không được xuống dưới 25%.
Bỏng: Phải truyền ít nhất 1 ml/kg diện tích bỏng trên cơ thể trong 24 giờ và truyền trong 2 ngày. Nên cho thêm các dung dịch crystalloid để tránh hiện tượng mất dịch, ví dụ khoảng 2000 ml trong 24 giờ. Trường hợp bỏng nặng cần điều trị thêm bằng protein và vitamin.
Trường hợp thay huyết tương: Dùng polygelin riêng biệt hay kết hợp với các dịch thay thế khác theo thể tích tương đương với huyết tương đã bị mất. Có thể dùng đơn độc tới 2 lít polygelin để thay thế.
Tương tác thuốc
Nên dùng thuốc rất cẩn thận cho người bệnh đang được điều trị bằng thuốc glycosid trợ tim vì các chế phẩm polygelin có chứa ion Ca2+.
Ðộ ổn định và bảo quản
Không có những yêu cầu bảo quản đặc biệt. Dưới 3oC, thuốc sẽ hóa gel nhưng sẽ trở lại dạng bình thường khi làm ấm lên. Không được truyền dung dịch lạnh cho người bệnh. Trạng thái đông lạnh không làm thay đổi tính chất hóa lý của thuốc. Thuốc không chứa chất bảo quản, nên khi đã mở bình, phải vứt bỏ dịch còn lại không dùng đến. Thuốc có thể được bảo quản ở nhiệt độ tới 25oC trong vòng 5 năm. Không được dùng thuốc nếu bình bị hở (vết hàn bị vỡ) hoặc dung dịch bị nhiễm tạp chất.
Có thể trộn lẫn thuốc với các dịch truyền khác (muối, dextrose, dung dịch Ringer v.v) hay máu đã chống đông bằng heparin. Phải duy trì các khâu vô khuẩn. Có thể truyền các thuốc hòa tan trong nước cùng với polygelin như insulin, streptokinase... Bất cứ thuốc nào cho thêm phải được bơm vào bình qua một hốc nhỏ nằm cạnh nắp lọ.
Tương kỵ
Các chế phẩm polygelin chứa ion calci tương kỵ với máu chống đông bằng citrat, nên có thể có hiện tượng đông máu khi trộn lẫn máu có citrat với polygelin. Tuy nhiên, có thể truyền máu chống đông bằng citrat trước hoặc sau khi truyền polygelin với điều kiện phải rửa thật sạch dụng cụ truyền.
Quá liều và xử trí
Quá liều: Chủ yếu do truyền quá mức dẫn đến tăng gánh tuần hoàn, dẫn đến suy tim cấp, phù phổi cấp.
Nếu có dấu hiệu đầu tiên của tăng gánh tuần hoàn, phải ngừng truyền ngay. Nếu cần, oxygen liệu pháp, lợi tiểu (furosemid) đường tĩnh mạch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh