Tên chung quốc tế: Trihexyphenidyl.
Mã ATC: N04A A01.
Loại thuốc: Thuốc kháng muscarin, thuốc chống loạn vận động, chữa Parkinson.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 2 mg, 5 mg; Viên nang: 5 mg; Cồn ngọt: 2 mg/5 ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Trihexyphenidyl là một amin bậc 3 tổng hợp, kháng muscarin, trị Parkinson. Như các thuốc kháng muscarin khác, trihexyphenidyl có tác dụng ức chế hệ thần kinh đối giao cảm ngoại biên kiểu atropin, kể cả cơ trơn. Trihexyphenidyl có tác dụng trực tiếp chống co thắt cơ trơn, giãn đồng tử nhẹ, giảm tiết nước bọt và ức chế thần kinh phế vị của tim. Cơ chế chính xác của trihexyphenidyl trong hội chứng Parkinson chưa được rõ, có thể do phong bế các xung động ly tâm và ức chế trung tâm vận động ở não. Với liều thấp, thuốc ức chế thần kinh trung ương nhưng với liều cao lại kích thích giống như dấu hiệu của ngộ độc atropin. So với levodopa, trihexyphenidyl kém hiệu quả và lại độc hơn. Hiện nay thuốc này ít được dùng để điều trị bệnh Parkinson, mà chỉ dùng để phụ trợ cho levodopa, tuy thuốc có thể dùng làm giảm chứng run và giảm chảy nước bọt. Dùng dài ngày, trihexyphenidyl không ảnh hưởng đáng kể đến huyết áp, hô hấp, gan, thận và tủy xương.
Trihexyphenidyl được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Tác dụng bắt đầu sau 1 giờ, cao nhất trong 2 - 3 giờ và kéo dài 6 - 12 giờ. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không biến đổi. Nửa đời thải trừ 10,2 ± 4,7 giờ.
Chỉ định
Ðiều trị phụ trợ hội chứng Parkinson (các thể do xơ cứng mạch, sau viêm não hoặc không rõ nguyên nhân).
Làm giảm hội chứng ngoại tháp do thuốc như thioxanthen, phenothiazin, butyrophenon nhưng không hiệu quả với các loạn vận động muộn.
Chống chỉ định
Trihexylphenidyl có thể có những chống chỉ định giống các thuốc kháng muscarin, trong các trường hợp sau: Loạn vận động muộn, nhược cơ, glôcôm góc đóng hay góc hẹp (tăng nhãn áp và thúc đẩy cơn cấp), trẻ em trong môi trường nhiệt độ cao.
Thận trọng
Người cao tuổi và trẻ em dễ nhạy cảm với các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Thận trọng khi trời nóng và khi vận động.
Thận trọng với người bệnh tim đập nhanh, phì đại tuyến tiền liệt, glôcôm góc mở, bí đái.
Kiểm tra thường xuyên nhãn áp và đánh giá soi góc tiền phòng định kỳ.
Thời kỳ mang thai
Còn ít kinh nghiệm lâm sàng dùng thuốc cho phụ nữ có thai, chưa ghi nhận được tác dụng có hại.
Thời kỳ cho con bú
Chưa ghi nhận được nguy cơ nào ở trẻ em bú khi mẹ dùng trihexyphenidyl.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các tác dụng không mong muốn chủ yếu là tác dụng kháng acetylcholin quá mức:
Thường gặp, ADR > 1/100
Mắt: Nhìn mờ do tác dụng kháng acetylcholin.
Miệng: Khô.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Mệt mỏi.
Tuần hoàn: Nhịp tim nhanh.
Tiêu hóa: Buồn nôn, táo bón.
Tâm thần: Lú lẫn (đặc biệt ở người cao tuổi, bệnh nhân tổn thương não và người sa sút trí tuệ).
Tiết niệu: Bí đái.
Mắt: Giảm tiết nước mắt.
Miệng: Khô họng.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nguy cơ phản ứng tâm thần dưới dạng lú lẫn rất phổ biến ở người bệnh cao tuổi khi bắt đầu hoặc đã rõ ràng có sa sút trí tuệ. Do đó phải hết sức thận trọng điều trị nhóm người bệnh này. Khô mắt là một biến chứng có thể gây nhiều vấn đề quan trọng đối với người bệnh dùng kính tiếp xúc trực tiếp. Khô mồm có thể gây sâu răng.
Liều lượng và cách dùng
Trihexyphenidyl thường dùng uống, ngày 3 lần vào bữa ăn, nếu cần thêm một liều thứ 4 vào lúc đi ngủ. Nếu gây khô miệng quá, nên dùng trước bữa ăn hoặc ngậm kẹo, uống nước tạo nước bọt. Cũng có thể dùng kèm thêm loại thuốc thay thế nước bọt. Liều dùng trihexyphenidyl phải được điều chỉnh cẩn thận theo đáp ứng của từng người bệnh, đặc biệt người trên 60 tuổi.
Hội chứng Parkinson: Ngày đầu 1 mg, sau đó cách 3 - 5 ngày tăng 2 mg cho tới khi đạt 6 - 10 mg mỗi ngày. Người bệnh có hội chứng Parkinson sau viêm não có thể dùng tới 12 - 15 mg/ngày.
Rối loạn ngoại tháp do thuốc chống loạn thần: 5 - 15 mg/ngày. Liều đầu tiên 1 mg đã có thể kiềm chế được một số phản ứng, song nếu biểu hiện ngoại tháp không kiểm soát được trong vòng vài giờ thì cần tăng liều để đạt yêu cầu. Cũng có thể điều chỉnh bằng cách giảm liều của thuốc đã gây ra các phản ứng này, sau đó điều chỉnh liều của cả 2 thuốc. Khi đã kiểm soát được các rối loạn này trong nhiều ngày, có thể ngừng dùng hoặc giảm liều trihexyphenidyl.
Nếu dùng phối hợp với levodopa, liều của 2 thuốc phải giảm và điều chỉnh cho phù hợp với đáp ứng và dung nạp thuốc của từng người bệnh.
Khi trihexyphenidyl được dùng thay thế toàn bộ hoặc một phần thuốc kháng muscarin khác, liều trihexyphenidyl cần tăng dần, trong khi đó thuốc kia cần giảm dần.
Tương tác thuốc
Trihexyphenidyl làm giảm tác dụng của phenothiazin.
Dùng với amantadin có thể làm tăng tác dụng kháng acetylcholin lên thần kinh trung ương.
Trihexyphenidyl làm giảm hấp thu digoxin khi uống viên digoxin.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản trong lọ kín, ở 15 - 30oC. Tránh làm đông lạnh dạng cồn ngọt.
Tương kỵ
Trihexyphenidyl tương kỵ với các tác nhân oxy hóa.
Quá liều và xử trí
Nếu uống quá liều phải gây nôn, rửa dạ dày và có thể dùng diazepam để kiểm soát các kích động quá mức và co giật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh