1. Dấu hiệu cảnh báo bệnh
Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ có những dấu hiệu như ho, sốt, chảy mũi… Sau vài ngày thì xuất hiện thở nhanh và suy hô hấp, co rút lồng ngực. Khi bệnh nặng lên xuất hiện tím tái, sốt, thở ra kéo dài.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ thường gây ra những triệu chứng như ho, sốt, tím tái….
Bệnh xảy ra cấp tính ở trẻ dưới 2 tuổi có các dấu hiệu của viêm long đường hô hấp trên như chảy mũi, ho, khò khè lần đầu, có sốt hoặc không. Đôi khi nghe phổi có ran rít, ran ẩm… Khi có các dấu hiệu sau cha mẹ cần đưa trẻ đi nhập viện ngay: bú kém, li bì, có cơn ngừng thở, thở nhanh từ 70 lần/phút trở lên, phập phồng cánh mũi, thở rên, co rút lồng ngực mạnh, tím tái.
Bệnh viêm tiểu phế quản thường tự khỏi sau 3 – 7 ngày. Tử vong chỉ xảy ra ở thể nặng (khoảng 1%). Khoảng 1/4 trường hợp sau này trở thành hen phế quản.
2. Cẩn trọng với bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Ngừng thở: thường gặp trong giai đoạn cấp và xảy ra nhiều nhất đối với trẻ sinh non, trẻ dưới 2 tháng tuổi hay trẻ dưới 44 tuần tuổi.
Cha mẹ nên cẩn trọng với bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ vì có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời
- Xẹp phổi: Là biến chứng thường gặp và có thể gặp trong 62-100% trường hợp viêm tiểu phế quản nặng. Xẹp phổi thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi và có liên quan đến mức độ nặng của bệnh.
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất là các biến chứng không thường gặp.
- Tình trạng mất nước thường gặp ở giai đoạn đầu. Trong giai đoạn sau, có thể xảy ra các rối loạn tuần hoàn.
- Bội nhiễm do vi khuẩn là biến chứng không thường gặp (khoảng 0-7%).
- Các rối loạn nhịp tim có thể gặp trong viêm tiểu phế quản
- Co giật: Có thể là hậu quả của tình trạng thiếu oxy hoặc có thể do bệnh lý não do nhiễm virus hợp bào (RSV).
- Tử vong: Hầu hết tử vong thường xảy ra ở trẻ dưới 12 tháng tuổi (chiếm 79% trường hợp tử vong) và nhất là trong vài tháng đầu sau sinh. Trẻ có các bệnh lý mạn tính, đặc biệt là các bệnh lý có ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, thường mắc viêm tiểu phế quản nặng dẫn đến tử vong.
3. Điều trị như thế nào?
- Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ.
Cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện khi có các dấu hiệu viêm tiểu phế quản để điều trị hiệu quả
Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn.
Nếu trẻ có dấu hiệu viêm tiểu phế quản nặng, cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để được theo dõi tình trạng sức khỏe, nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp