Viêm phế quản là một trong những bệnh lý về viêm đường hô hấp dưới nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và có tỷ lệ tái phát cao. Nếu không được phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách bệnh rấ dễ trở thành mạn tính và tăng nguy cơ dẫn tới viêm phổi và các bệnh lý nguy hiểm khác như suy hô hấp….gây tử vong cho trẻ.
Trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ non, đang mắc các bệnh khác như cảm cúm, sởi… rất dễ mắc viêm phế quản. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do virut làm tổn thương viêm cấp lan toả cả phế nang, mô kẽ lẫn phế quản, sau là bội nhiễm vi khuẩn hoặc do cả hai. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn.
Bệnh nhân có tiền sử nhiễm khuẩn nhẹ đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, viêm họng rất dễ bị viêm phế quản . Bệnh viêm phế quản giai đoạn khởi phát trẻ chỉ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém. Ở giai đoạn toàn phát trẻ sốt cao hoặc có thể lại bị hạ nhiệt độ, ho khan, chảy nước mũi và bắt đầu xuất hiện đờm. Lúc này, trẻ thấy khó thở, cánh mũi phập phồng, thở nhanh.
Khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh viêm phế quản, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Căn cứ vào mức độ nặng – nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần có chế độ chăm sóc trẻ phù hợp:
– Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn có nhiều mỡ hay các món xào, rán, đồ ăn có nhiều đường ngọt, hạn chế lượng muối vì nó sẽ làm tình trạng viêm phế quản tăng, tăng chất nhầy dẫn đến tình trạng khó thở.
– Cần tránh các loại hoa quả chua, chát như: mận, táo chua vì những thực phẩm này sẽ khó long đờm, tránh các đồ ăn có tính cay nóng vì sẽ làm gia tăng tình trạng ho ở trẻ.
– Nên cho ăn trẻ ăn nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể đặc biệt là các vitamin C, E, A có tác dụng làm giảm tình trạng viêm phế quản, giảm tình trạng khó thở.
– Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, bột mì, ngũ cốc, các thực phẩm, sữa giàu canxi và vitamin D, sữa chua, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà.
– Nên giữ ấm cơ thể cho trẻ để tránh bị lạnh
– Giữ môi trường sống xung quanh, thoáng sạch tránh vi khuẩn virus gây bệnh, khiến bệnh của trẻ nặng hơn.
– Nên vệ sinh nhà cửa, phòng bé nằm đảm bảo đủ ấm áp, thoáng khí và đặc biệt không có khói thuốc.
Việc có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý khi bị viêm phế quản kết hợp với việc áp dụng đúng cách điều trị bệnh cho trẻ sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh