Rối loạn tiêu hóa trẻ em là tình trạng rất phổ biến hiện nay. Bệnh tuy không gây hại đến tính mạng nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này.
1. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là gì?
Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến ở trẻ em. Đây là tình trạng cơ vòng hệ tiêu hóa của trẻ co thắt khác thường, dẫn đến hiện tượng đau bụng và ảnh hưởng đến chức năng dạ dày và ruột. Rối loạn tiêu hóa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe, cũng như quá trình phát triển của trẻ.
Giai đoạn phát triển cơ thể của trẻ cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, nếu bị rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng sẽ tiêu hao đáng kể. Điều này khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng, thể chất và trí não kém phát triển, suy giảm hệ miễn dịch. Hơn thế, bệnh cũng dễ dàng tái phát khi bị yếu tố gây bệnh tấn công vào hệ tiêu hóa trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân khiến trẻ rối loạn tiêu hóa
2.1. Sức đề kháng yếu là nền tảng dẫn đến rối loạn tiêu hóa trẻ em
Thông thường trẻ em từ 0 đến 6 tuổi sẽ có hệ miễn dịch và sức đề kháng kém nên dễ bị các loại vi khuẩn gây bệnh tấn công. Đây chính là tác nhân hàng đầu gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
2.2. Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học
Nhiều phụ huynh mắc phải sai lầm khi cho con ăn uống. Điển hình là cho trẻ ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, đạm, đường, các loại nước có gas dẫn đến khó tiêu hóa. Hay cho trẻ ăn trong thời gian quá lâu hoặc ăn quá no, gây quá tải cho chức năng tiêu hóa của dạ dày và ruột.
2.3. Dùng thuốc kháng sinh
Trong một số trường hợp, trẻ em cần phải dùng dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại, mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi. Điều này dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
2.4. Ngộ độc thức ăn gây rối loạn tiêu hóa trẻ em
Thực phẩm để qua đêm, cách chế biến và bảo quản thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc dùng nguồn nước bị ô nhiễm…chính là những nhân tố gây ngộ độc và rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
2.5. Môi trường sống có chất lượng vệ sinh kém
– Trẻ sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh
– Trẻ tiếp xúc với vật nuôi hay đồ chơi nhiễm khuẩn
– Trẻ không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Tất cả những vấn đề trên sẽ tạo cơ hội cho các vi khuẩn có hại xâm nhập và gây ra các triệu chứng bất thường về tiêu hóa.
3. Rối loạn tiêu hóa dấu hiệu thường gặp ở trẻ
3.1. Triệu chứng nôn trớ
Là tình trạng các chất trong dạ dày đẩy ngược lên thực quản dưới sự tác động của cơ thể.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do:
– Hệ tiêu hóa trẻ chưa hoàn thiện mà lại ăn quá nhiều hoặc bú quá no
– Không thích nghi được với loại sữa mới
– Ăn uống không đúng tư thế
– Thời gian mỗi lần ăn hoặc uống sữa quá gần nhau.
Để khắc phục tình trạng này phụ huynh cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đúng tư thế hoặc có thể sử dụng các loại thuốc đã được bác sĩ chỉ định dùng cho trẻ.
3.2. Táo bón
Táo bón ở trẻ thường có biểu hiện ít đi ngoài, 2 – 3 ngày mới đi ngoài một lần, phân khô cứng. Nguyên nhân khiến trẻ táo báo là do ăn các thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cứng. Hậu quả của việc này làm cho trẻ kém ăn, đau bụng, cơ thể thiếu dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ nhỏ.
3.3. Tiêu chảy nhiều lần
Tiêu chảy là một trong những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa hay gặp ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng là bé đi ngoài phân lỏng tối thiểu 3 lần trong ngày, có thể kéo dài đến 2 tuần. Khi bị tiêu chảy trẻ rất mệt mỏi, chán ăn, nôn trớ, trướng bụng.
Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể bị mất nước, cơ thể suy dinh dưỡng, mất chất điện giải, thậm chí có nguy cơ tử vong nếu không có giải pháp điều trị kịp thời. Tiêu chảy là một trong những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa nguy hiểm ở trẻ.
3.4. Đi ngoài phân sống
Nguyên nhân dẫn đến đi ngoài phân sống ở trẻ là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Theo nghiên cứu, trong cơ thể của một người bình thường sẽ có 85% vi khuẩn có lợi và 15% vi khuẩn có hại, có tác dụng giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng và thải chất độc hại ra ngoài.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ lợi khuẩn và hại khuẩn thay đổi sẽ xảy ra trường hợp loạn khuẩn đường ruột. Điều này dẫn đến một số triệu chứng bất thường như: Đầy bụng, đi ngoài phân lỏng, phân sống, kèm theo chất nhầy. Nếu bé gặp phải tình trạng này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có giải pháp khắc phục kịp thời.
4. Biện pháp phòng tránh rối loạn tiêu hóa cho trẻ em
Để hạn chế được tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, các bậc phụ huynh có thể thực hiện những điều sau đây:
4.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
– Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Đồng thời, cần bổ sung các nhóm thực phẩm giàu chất xơ.
– Tuyệt đối không được cho trẻ ăn thức ăn qua đêm, thiếu chất hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Luyện tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước để cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể và hỗ trợ cho quá trình di chuyển thức ăn trong đường ruột dễ dàng hơn.
4.2. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt, lối sống
– Rèn luyện cho bé một thói quen ăn uống khoa học, nhai kỹ thức ăn, ngồi đúng tư thế, việc này sẽ giúp thức ăn đi vào dạ dày dễ tiêu hóa hơn.
– Duy trì cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để đảm bảo hạn chế các loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể.
– Khuyến khích bé vận động thể chất thường xuyên bằng những bài tập phù hợp, giúp trẻ ăn ngon hơn, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
– Khi thấy trẻ các dấu hiệu bất thường của rối loạn tiêu hóa kéo dài, thì nên đưa đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị.
Bài viết trên là những thông tin hữu ích về bệnh rối loạn tiêu hóa trẻ em, mong rằng qua bài viết này các bậc phụ huynh sẽ cập nhật được những thông tin hữu ích về bệnh lý trên.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh